Những người “vác tù và hàng tổng”
Ngày ngày nhiệt tình, tích cực tham gia chuyện xóm, chuyện thôn mà không nề hà đến chế độ lương bổng hay phụ cấp là những hòa giải viên ở cơ sở. Họ là những người “vác tù và hàng tổng”, luôn hết lòng với cái tâm trong sáng nhằm đem đến sự bình yên, hòa thuận, đoàn kết trong mỗi gia đình, khu dân cư.
1. Nghỉ công tác tại UBND xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ) theo chế độ, từ năm 2014 đến nay, ông Trần Văn Hùng (trú thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh) được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ - Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Trung Hội. 5 năm qua, mọi công việc lớn, nhỏ ở thôn Trung Hội từ hòa giải mâu thuẫn, xích mích trong mỗi gia đình đến tranh chấp trong cộng đồng dân cư đều “qua tay” ông.
Ông Hùng (đầu tiên bên trái) tham gia vụ hòa giải tại thôn Trung Hội (xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ).
Người đàn ông này năm nay đã bước qua tuổi 66, dáng người nhỏ, đôi mắt sáng, luôn xuất hiện đầu tiên khi xóm, thôn có việc, nhất là các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Với uy tín và sự công tâm, ngay thẳng, ông Hùng chủ động gặp gỡ, trao đổi, phân tích có tình, có lý để các bên nhận ra cái đúng, cái sai của bản thân mà tự hóa giải mâu thuẫn.
Theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hòa giải một lần chưa thành công, ông Hùng làm lần hai, lần ba và thay đổi “chiến thuật”. Ông bật mí: “Những lần hòa giải thứ hai, thứ ba, tôi trực tiếp tới từng nhà của họ trò chuyện, nhưng không ngay lập tức đề cập tới vụ việc cần hòa giải mà nói lòng vòng chuyện đông, chuyện tây. Đợi đến lúc người ta có tâm trạng vui vẻ nhất, tôi mới nhắc tới việc cần hòa giải. Khi đó, mức độ thành công của việc hòa giải sẽ cao hơn”.
“Làm công tác hòa giải ở cơ sở, quan trọng nhất là dựa vào cái tình. Thường những vụ mâu thuẫn, xích mích xảy ra trong mỗi gia đình hay khu dân cư, không có bên đúng, bên sai tuyệt đối mà là bên sai ít, bên sai nhiều. Cái quan trọng nhất là làm sao họ hiểu, thấy được lẽ phải để tự hóa giải mâu thuẫn với nhau”, ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm.
2. Về thôn Thắng Công (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) hỏi ông Quách Thiện sẽ có không ít người bỡ ngỡ, nhưng nhắc tên ông Thiện “hòa giải” thì không ai không biết. Bởi từ đầu những năm 1990 đến nay, ông Quách Thiện - Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Thắng Công đã gắn bó với công tác hòa giải ở địa phương.
Ông Thiện (bên trái) cùng cán bộ tư pháp xã Nhơn Phúc bàn bạc, đưa ra hướng hòa giải cho vụ mâu thuẫn xảy ra tại thôn Thắng Công (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn).
Dù phải vướng bận với “cơm, áo, gạo, tiền” mỗi ngày, nhưng hễ trong xóm, thôn có gia đình nào “cơm không lành, canh chẳng ngọt” là ông Thiện trực tiếp đến hỏi han, hòa giải, không để nảy sinh mâu thuẫn lớn. Kiến thức về hòa giải của ông Thiện hầu hết đúc kết từ kinh nghiệm thực tế; ngoài ra, ông còn chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu các quy định pháp luật.
Gần 30 năm qua, tất cả các vụ mâu thuẫn, tranh chấp lớn, nhỏ trong thôn đều có sự tham gia hòa giải của ông Thiện với tỷ lệ thành công từ 90% trở lên. Nói về bí quyết hòa giải thành, ông Thiện tâm sự: “Đa số các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở nông thôn liên quan đến đất đai, môi trường, thừa kế và thường xảy ra trong nội bộ gia đình, dòng họ. Quan trọng nhất là phải tiến hành hòa giải ngay khi sự việc còn trong trứng nước, không để kéo dài. Khi mâu thuẫn còn nhỏ, các bên dễ thấu hiểu và dễ chấp nhận làm hòa với nhau hơn”.
3. Năm nay đã bước sang tuổi 74, nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Vạn, ở thôn Tăng Long 2 (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) vẫn còn nhiệt huyết với công tác hòa giải ở khu dân cư. Với kinh nghiệm gần 20 năm làm công việc này, mỗi khi xóm, làng có xích mích, mâu thuẫn, tổ hòa giải ở thôn lại “cầu viện” bà Vạn.
Lớn tuổi, lại phải đi nhiều để làm công việc hòa giải, nhiều người trong thôn ái ngại cho sức khỏe của bà Vạn. Nhưng với bà, đây lại là niềm vui, là động lực để có sức khỏe dẻo dai, tinh thần minh mẫn. Bởi bà luôn rất vui khi một vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn được hòa giải thành, mọi người trở lại sống thân ái, hòa thuận với nhau.
Bà Vạn tâm sự: “Muốn hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải phải không ngại khó, ngại khổ, luôn giữ thái độ vô tư, khách quan, phân giải sự việc công bằng. Khi đã nói đúng, có lý có tình thì người dân mới nghe, mới tôn trọng và tâm phục, khẩu phục; từ đó, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”.
Với những người như ông Hùng, ông Thiện, bà Vạn…, công việc dù có khó khăn, mệt mỏi, họ vẫn nhiệt tình tham gia và không yêu cầu quyền lợi gì. Động lực lớn nhất để họ gắn bó với công việc là sự hòa thuận, đoàn kết trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Nhờ những người “vác tù và hàng tổng” như họ mà các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chuyển tải sâu rộng đến người dân. Đồng thời, duy trì tình làng nghĩa xóm, nếp sống văn hóa, tạo nên sức mạnh cộng đồng.
VĂN LỰC