Bảo hiểm xã hội huyện Tuy Phước:
Chú trọng công tác an sinh xã hội
Bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Tuy Phước đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội bằng cách đưa các loại hình BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) vào đời sống nhân dân với những nỗ lực và cải tiến.
Ngày 1.10.2009 Luật BHYT có hiệu lực thi hành, luật này có nhiều điểm mới, trách nhiệm và quyền lợi của các đối tượng tham gia có sự điều chỉnh đáng kể; tuy nhiên nhận thức về Luật BHYT trong cộng đồng dân cư chưa sâu rộng, thường xuyên. Bên cạnh đó, tính tự giác chấp hành Luật ở một số cán bộ, nhân dân chưa cao, nên việc tổ chức thực hiện chương trình, công tác của cơ quan BHXH huyện nhà có phần khó khăn đáng kể. Mặt khác, việc triển khai thực hiện Luật BHXH cũng còn nhiều vướng mắc, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động lâu dài. Một số người sử dụng lao động thường trốn tránh trách nhiệm mua BHXH cho người lao động, dẫn đến quyền lợi người lao động bị thiệt hại…
Trước thực trạng đó, BHXH huyện Tuy Phước đã tập trung khắc phục những khó khăn, chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành tổ chức thực hiện nên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong các năm gần đây. Điển hình, trong năm 2013 tổng thu BHXH ở huyện Tuy Phước (kể cả tự nguyện) ước đạt 42,1 tỉ đồng, tăng gần 1,6 tỉ đồng so với năm 2012 và đạt 103% so với kế hoạch của năm 2013.
Ông Trần Văn Thái, Giám đốc BHXH huyện Tuy Phước, cho biết: Trước đây, người lao động hiểu biết về Luật BHXH còn thấp, nên họ không đấu tranh đòi quyền lợi. Do vậy, khi bị BHXH xử lý với hình thức “treo” quyền lợi người lao động, như: không thực hiện chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động... thì thiệt thòi thuộc người lao động. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, BHXH huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đồng thời, cử cán bộ đến từng doanh nghiệp để nắm tình hình sản xuất kinh doanh của họ và cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn. Riêng đối với các doanh nghiệp nợ BHXH - BHYT có thời gian từ 3 tháng trở lên BHXH đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với doanh nghiệp đó để có biện pháp xử lý. Còn đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt việc nộp BHXH - BHYT cho người lao động, BHXH huyện cũng đã đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời….Nhờ vậy tình hình các doanh nghiệp nợ BHXH ở huyện Tuy Phước đã giảm đáng kể.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; đi sâu, đi sát các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT nên số lượng đối tượng đăng ký tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn huyện tăng rõ rệt. Anh H.P. một công nhân làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đóng trên địa bàn huyện Tuy Phước, phân trần: “Trước đây chủ doanh nghiệp không đóng BHXH cho công nhân chúng tôi lại thấy mừng, vì mình không mất thêm một khoản tiền lương. Nhưng nay, cán bộ BHXH tiếp cận, giải thích mới biết là mình bị thiệt thòi quyền lợi; chúng tôi đấu tranh dữ, nên 2 năm nay đã có BHXH, yên tâm rồi!”.
Tính đến thời điểm tháng 11.2013, huyện Tuy Phước đã tăng 50 lao động tham gia BHXH so với cả năm 2012. Nâng tổng số đối tượng thuộc diện này lên 4.410 lao động. Ngoài ra, còn có hơn 62.674 đối tượng là học sinh và nhân dân tham BHYT tự nguyện, với tổng số tiền trên 24 tỉ đồng, tăng hơn 2 tỉ đồng, tương ứng với 9% so với năm 2012.
Xuân Vinh