Tuyến cáp quang biển quốc tế SJC2: Rộng đường kết nối, mở lối tương lai
Tuyến cáp quang biển quốc tế SJC2 với điểm cập bờ tại TP Quy Nhơn có mục tiêu gia tăng dung lượng Internet kết nối trực tiếp từ Việt Nam đi các nước như: Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản… đáp ứng nhu cầu dịch vụ viễn thông và Internet của Việt Nam sau năm 2020.
Một nút giao thông quốc gia trên Internet
Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế, gồm: 3 tuyến SMW3, AAG, APG của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và 2 tuyến AAE-1, IA của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). 5 tuyến cáp quang biển này có điểm cập bờ tại Đà Nẵng và Vũng Tàu, trong đó AAG (cập bờ ở Vũng Tàu) là tuyến cáp quang biển chủ lực của VNPT và của Việt Nam nói chung. Đưa vào hoạt động từ tháng 11.2009, đến nay AAG đã quá tải, nhiều lần gặp sự cố khiến đường truyền Internet cả nước bị chậm. Trong khi đó, tuyến cáp quang biển ở TP Đà Nẵng không thể nâng cấp hay mở rộng thêm được nữa, nhu cầu Internet lại ngày càng lớn, vì thế VNPT quyết định đầu tư một tuyến cáp quang biển mới nhằm san sẻ trọng tải với các tuyến cáp biển cập bờ vào Vũng Tàu và Đà Nẵng.
Thi công phân đoạn cáp biển SJC2 cập bờ vào TP Quy Nhơn trên bờ và dưới biển.
Tuyến cáp quang biển quốc tế mới có tên là SJC2 (South East Asia Japan Cable System 2, Hệ thống cáp quang biển Ðông Nam Á - Nhật Bản 2) có điểm cập bờ Việt Nam nằm tại phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Như vậy, Quy Nhơn trở thành điểm cập bờ cáp biển quốc tế thứ 3 của VNPT. Biển Quy Nhơn thuộc vùng nước sâu, cự ly nhánh rẽ ngắn, mức độ an toàn cho các tuyến cáp biển cập bờ cao hơn hẳn so với nơi khác. Quan trọng hơn, Quy Nhơn có vị trí địa lý thuận lợi, đóng vai trò như một “ngã ba giao thông” nối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, kết nối sang Lào, Campuchia và Thái Lan.
Ông Nguyễn Hữu Thường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT Net), chia sẻ: “SJC2 có dung lượng dự kiến cao bằng 3 tuyến cáp SMW3, AAG, APG cộng lại, với SJC2 dung lượng của cả nước sẽ tăng gấp 6 lần hiện nay. Nhà trạm cập bờ cáp biển quốc tế tại Ghềnh Ráng (trạm thứ 3 của VNPT), dự kiến xây xong vào tháng 6.2020, sẽ trở thành trạm chủ lực thông tin của quốc gia, đưa Bình Định trở thành nút giao thông quan trọng của quốc gia trong thời gian tới”.
Hạ tầng thuận lợi để phát triển kinh tế
Nói về tuyến cáp quang quốc tế SJC2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phân tích: “Trong phát triển kinh tế hiện đại, viễn thông có vai trò rất quan trọng. Hãy hình dung, Trường ĐH Quy Nhơn sẽ trở thành trường đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, Cảng hàng không Phù Cát sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế, ngay tại TP Quy Nhơn cũng sẽ có thêm nhiều cơ sở đào tạo quốc tế, nhiều DN có mức độ liên quan đến viễn thông, internet rất cao. Việc có tuyến cáp quang quốc tế SJC2 của VNPT và theo kế hoạch nhiều khả năng sẽ còn có thêm một tuyến cáp tương tự của Viettel, tất cả sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến dự án SJC2, xem đây là một công trình trọng điểm”.
Để vận hành SJC2, một trung tâm dữ liệu mới dự kiến sẽ được xây dựng tại Quy Nhơn, bên cạnh 3 trung tâm dữ liệu đang hoạt động ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trung tâm, nơi tập trung các máy chủ quan trọng, sẽ giúp đảm bảo an toàn tổng thể mạng lưới kết nối và san tải lưu lượng Internet từ Quy Nhơn đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Với việc xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô lớn và hệ thống Internet cáp quang rộng khắp sẽ đem lại cho Bình Định một nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông vững chắc, góp phần đảm bảo cho công cuộc chuyển đổi số, dự án xây dựng thành phố thông minh, kết nối liên thông dữ liệu, phủ sóng wifi miễn phí tại các địa điểm công cộng, cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các DN, người dân trong tỉnh.
HỒNG HÀ