Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cây ăn quả ở Hoài Ân, nâng cấp cảng cá Tam Quan
(BĐ) - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu sau khi đi kiểm tra thực tế một số mô hình kinh tế trang trại trồng cây ăn quả tại xã Ân Tường Đông; kiểm tra cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc và làm việc với chính quyền huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn về tình hình phát triển cây ăn quả, thành lập các HTXNN, tiến độ đầu tư nâng cấp cảng cá Tam Quan, vào ngày 14.1.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (đầu tiên từ phải qua) kiểm tra mô hình kinh tế trang trại trồng cây ăn quả của hộ ông Đặng Văn Cấp, ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân.
Theo UBND huyện Hoài Ân, các loại cây trồng được lựa chọn, ưu tiên đầu tư phát triển tại địa phương như bưởi da xanh, bơ sáp, chè đã có thị trường tiêu thụ, mang lại nguồn thu nhập cao. Đến nay, toàn huyện có 300 ha bưởi da xanh, trong đó có hơn 100 ha cho thu hoạch. Hoài Ân cũng chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Năm 2020 huyện tiếp tục duy trì, phát triển 2.300 ha cây ăn quả, trong đó có 800 ha cây có múi. Về kinh tế HTX, huyện đã thành lập mới HTX Dịch vụ 19/4 và đang hướng dẫn thành lập HTX Chè Gò Loi, HTX Dâu tằm tơ xã Ân Hảo Đông, đồng thời vận động, thành lập các HTX: Rau hoa, chăn nuôi heo và trồng bưởi.
Tại buổi làm việc, UBND huyện Hoài Ân kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh cho phép địa phương sử dụng diện tích đất công ích do UBND các xã quản lý để trồng cây ăn quả; xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ, mở rộng vùng chứng nhận trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực. Hỗ trợ vật chất ban đầu để các HTX thành lập mới hoạt động; hỗ trợ huyện tổ chức Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ nhất diễn ra vào tháng 5.2020.
Tại huyện Hoài Nhơn, lãnh đạo huyện cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc đầu tư nâng cấp cảng cá Tam Quan là thiếu vốn. Cụ thể, để cảng cá Tam Quan đảm bảo tiêu chí cảng cá loại 2, giải quyết cho trên 2.000 tàu cá neo đậu và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm của ngư dân, trước mắt cần đầu tư cầu cảng dài 163 m và khu tiếp nhận xử lý nguyên liệu có hệ thống mái che, với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, vượt quá khả năng của huyện.
Nguồn: BTV
Phát biểu tại các buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu huyện Hoài Ân cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, huyện Hoài Nhơn đầu tư nâng cấp cảng cá Tam Quan, bởi đây là 2 lĩnh vực quan trọng thúc đẩy KT-XH 2 địa phương phát triển.
Riêng đối với huyện Hoài Ân, Phó Chủ tịch Trần Châu chỉ đạo địa phương cần phá bỏ hết cây lâm nghiệp trồng trên đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả; hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung, sản phẩm an toàn; tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Nhanh chóng thành lập các HTX mới để liên doanh, liên kết với các DN thực hiện liên kết chuỗi. Lãnh đạo tỉnh cũng thống nhất với các kiến nghị của UBND huyện Hoài Ân và chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định việc đầu tư nâng cấp cảng cá Tam Quan nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cảng cá loại 2 là cần thiết và yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh cùng UBND huyện Hoài Nhơn kiểm tra, rà soát lại các hạng mục đang và sẽ đầu tư nâng cấp, báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh sẽ xem xét khả năng ứng trước 30 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để đầu tư một số hạng mục quan trọng. Các hạng mục khác, địa phương phải trích ngân sách để đầu tư và kêu gọi các DN làm xây dựng khu dịch vụ hậu cần theo đúng quy hoạch.
Tin, ảnh: TIẾN SỸ