Tích cực hỗ trợ, đồng hành với “tam nông”
Qua 10 năm thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa X) về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2020”, hội nông dân các cấp đã gắn bó, đồng hành và hỗ trợ “tam nông” đạt nhiều kết quả tích cực.
Những kết quả nổi bật
Thực hiện Kết luận 61-KL/TW, UBND huyện Hoài Nhơn đã phê duyệt Đề án thành lập và nâng cao hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân (ND), giai đoạn 2014 - 2020. Hàng năm, huyện đã chi bổ sung ngân sách từ 100 - 200 triệu đồng và chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn cân đối ngân sách địa phương cho Quỹ. Tính đến nay UBND huyện và 17 xã, thị trấn đã hỗ trợ Quỹ 1,38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho Hội ND thực hiện 1 mô hình khuyến nông và 3 đề án giúp ND thoát nghèo bền vững với tổng kinh phí gần 689 triệu đồng. UBND các xã, thị trấn giao hội ND chủ trì và phối hợp thực hiện hơn 50 mô hình khuyến nông, mô hình kinh tế có hiệu quả; phối hợp cùng hội ND vận động ND đóng góp gần 76 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Nhờ đó, đến nay, 100% số xã, thị trấn ở Hoài Nhơn đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM); huyện Hoài Nhơn được Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2018.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn tặng bằng khen của Tỉnh ủy cho 17 tập thể đạt thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Kết luận 61-KL/TW.
Theo báo cáo của Hội ND tỉnh, hội ND các cấp đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong tham gia phát triển nông nghiệp. Qua phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đã có 65.000 ND đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm. Các hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi đã hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cho hàng vạn hộ ND nghèo về cách làm ăn hiệu quả, giúp đỡ về vốn, giống, kỹ thuật trị giá hàng tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hội ND các cấp đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với các ngành chức năng để hỗ trợ kỹ thuật, dạy nghề, vốn, thông tin thị trường, giúp ND phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo trong sản xuất, tăng năng suất lao động. Năm 2013, với việc thành lập và triển khai đề án Quỹ hỗ trợ ND, đã giúp chuyển mạnh từ phương thức cho vay nhỏ lẻ sang cho vay theo dự án; quy mô đầu tư vốn được nâng lên tối đa 200 - 500 triệu đồng/dự án. Vốn Quỹ hỗ trợ ND năm 2019 tăng trưởng trên 4,6 tỷ đồng, đạt 115% chỉ tiêu Trung ương Hội giao; tổng nguồn vốn toàn tỉnh quản lý trên 52,9 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với năm 2012 (khi chưa thực hiện đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hội ND tỉnh).
Tham gia XDNTM, các cấp hội đã vận động ND tự nguyện hiến trên 2,3 triệu m2 đất, đóng góp gần 453,5 tỷ đồng, 945.687 ngày công, làm mới và sửa chữa 7.351 km đường giao thông nông thôn; bê tông hóa, sửa chữa 6.156 km kênh mương nội đồng; cải tạo, kiên cố hóa 861 cây cầu, cống.
Hội ND tỉnh đã xây dựng và triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề và hỗ trợ ND tỉnh Bình Định, giai đoạn 2013 - 2020” và đã trực tiếp tổ chức 84 lớp dạy nghề cho 2.845 học viên. Các cơ sở hội đã gắn việc đào tạo nghề với giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, mỗi năm giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tiếp tục phát huy
Mười năm qua, hội ND các cấp đã xây dựng hàng trăm mô hình mới; hàng nghìn lượt hộ ND có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế tập thể, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn. Vai trò, trách nhiệm của hội ND các cấp, vai trò chủ thể, nòng cốt của cán bộ, hội viên ND trong tham gia phát triển nông nghiệp, XDNTM, xây dựng giai cấp ND ở địa phương ngày càng được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, góp phần ổn định, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 61-KL/TW được Tỉnh ủy tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh, đã đánh giá cao những thành tích mà các cấp ủy, chính quyền, hội ND các cấp đạt được trong 10 năm qua và yêu cầu trong những năm tới, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí của hội ND trong phát triển nông nghiệp, XDNTM và xây dựng giai cấp ND Việt Nam; từ đó, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong thực hiện Kết luận 61-KL/TW. Đồng chí cũng lưu ý, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở; phải xuất phát từ lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, ND; qua đó, tuyên truyền, vận động hội viên, ND hưởng ứng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình phát triển KT-XH ở địa phương. Ban chỉ đạo Đề án 61 các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận của Ban Bí thư ở các địa phương, đơn vị; kịp thời sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của hội ND các cấp. Hội ND các cấp cũng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp ND. Bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, ND.
NGỌC QUỲNH