Học đi đôi với hành
Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020 do Sở GD&ÐT vừa tổ chức được đánh giá là sân chơi thiết thực, bổ ích cho học sinh, giúp các em tập ứng dụng những kiến thức giáo khoa vào thực tiễn. Ðiểm đáng mừng là ngày càng có thêm nhiều trường tham gia, trong đó có cả những trường ở vùng miền núi, khó khăn.
Đề tài gần gũi cuộc sống
Năm nay, Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học có 100 dự án, đề tài tham gia. Trong đó, có đề tài khá hấp dẫn như: Hệ thống báo cháy và bơm nước tự động trên tàu thuyền, Gậy thông minh cho người mù, Thiết bị giúp phát hiện trẻ em bị bỏ quên trên ô tô hay bị lạc khi ngoại khóa. Bên cạnh đó, có những đề tài các em đã được trải nghiệm, mang đậm tính địa phương, thể hiện tình yêu với văn hóa truyền thống như: Chợ Gò Tuy Phước - giá trị di sản cần bảo tồn và phát huy; Khơi dậy và phát triển làng nghề truyền thống chế biến cá cơm mồm xuất khẩu và các loại mắm tại Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định; Bảo tồn và phát huy điệu múa xoang người Bana K’riêm cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh…
Thầy trò chuẩn bị để thuyết trình, bảo vệ dự án tại cuộc thi.
Em Trịnh Gia Hân, học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Xuất phát từ thực tế ở trường học, bệnh viện, khu du lịch, những nơi diễn ra các lễ hội, em thấy rác bị vứt rất bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nên em muốn tìm một giải pháp giúp mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Qua đó, em đã nghiên cứu dự án Giải pháp thông minh cho thùng rác công cộng, giúp mọi người tiện lợi hơn bằng việc khi bỏ rác không cần chạm tay vào thùng, ý thức hơn nữa việc phân loại rác tại nguồn.
Đồng thời, nhiều em còn nhờ giáo viên hướng dẫn những đề tài gần gũi với đời sống lao động của ba mẹ các em ở địa phương như: Nghiên cứu, chế tạo dung dịch sinh học bảo quản hoa quả từ vỏ tôm và lá trà dung; Mô hình hệ thống rang, bóc lụa hạt lạc thông minh; Mô hình hệ thống tự động phát hiện và ngắt bơm khi nước bị nhiễm mặn…
Đối với những học sinh ở vùng quê như em Nguyễn Trà My, học sinh Trường THCS Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), việc đồng áng đã quá quen thuộc. My chia sẻ: Trong việc sạ lúa phải trải qua 3 khâu là tạo rãnh, làm rò và gieo hạt giống rất vất vả nên chúng em làm ra thiết bị tạo rãnh làm rò và sạ lúa để 3 khâu được thực hiện cùng lúc, giảm thời gian gieo sạ và tiết kiệm số công làm.
Tập làm nhà khoa học
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Hệ thống đề tài của cuộc thi năm nay rất phong phú, đa dạng. Nghiên cứu KHKT không chỉ là cuộc thi mà còn là một phương pháp học tập của các em. Từ cuộc thi, phương pháp này được chú trọng và việc thực hành diễn ra thường xuyên. Qua đó, nhà trường cũng như Sở GD&ĐT khuyến khích các em tìm hiểu các kiến thức mới, làm quen với cách tư duy và các thao tác khoa học.
Các em học sinh giới thiệu về dự án của mình tại cuộc thi.
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học ngày càng lan tỏa. Trong 100 dự án, đề tài tham gia, có 45 sản phẩm của học sinh THCS. Đặc biệt năm học này, học sinh ở các trường miền núi khó khăn như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Nỉ (huyện An Lão), Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh cũng có dự án tham gia. Nhiều giáo viên chia sẻ, không chỉ đến cuộc thi, thầy trò mới bắt đầu đi thực tế mà họ đã dần chú trọng đến các thao tác nghiên cứu khoa học cơ bản như so sánh, đối chiếu, thực hành nhiều hơn, đặc biệt là với những vấn đề gắn bó với thực tế cuộc sống địa phương.
Em Lê Thị Kiều My và em Trần Thị Mỹ Duyên, học sinh Trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Hoài Ân), chia sẻ: Chúng em tham gia đề tài Tìm hiểu thực trạng xói lở bờ sông Kim Sơn, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Đây là nơi khá gần gũi với chúng em, tuy nhiên khi bắt đầu làm đề tài chúng em mới thấy nhiều điều mới mẻ. Giáo viên đã hướng dẫn chúng em các thao tác nghiên cứu như đi xin số liệu ở huyện, đi đo đạc thực tế và tìm hiểu… Hơn nữa, chúng em còn biết cách trình bày một đề tài khoa học bằng câu chữ, chú thích như thế nào. Đi ra ngoài tìm hiểu như vậy, chúng em thấy thú vị và dễ nhớ hơn.
Ngoài việc làm quen với thao tác khoa học, đến với cuộc thi, các em còn tập làm quen với việc thuyết trình, bảo vệ đề tài trước đám đông. Em Cao Thị Hân, Trường THCS Canh Vinh (huyện Vân Canh), bày tỏ: Đến với cuộc thi, em muốn mọi người và các bạn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng vật liệu tái chế để tạo ra những vật dụng có ích hơn như chúng em đã sử dụng chai nhựa để làm thùng rác thông minh. Sau khi tham gia đề tài, chúng em sẽ đặt thùng rác thông minh - thân thiện ở sân trường cho các bạn sử dụng và tham khảo.
THẢO KHUY