Xét xử vụ Gateway: Bà Nguyễn Bích Quy bị đề nghị 20-24 tháng tù
Chiều 14.1, VKS đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án với ba bị cáo trong vụ bé trai trường Gateway tử vong. Tại tòa, cả ba bị cáo gồm bà Nguyễn Bích Quy, ông Doãn Quý Phiến và cô Nguyễn Thị Thủy thừa nhận hành vi thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, kiểm soát kỹ dẫn đến cái chết của bé Lê Hoàng Long trên xe ô tô (tử vong do suy hô hấp tuần hoàn vì sốc nhiệt).
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bích Quy 20-24 tháng tù, Doãn Quý Phiến 15-18 tháng tù, cùng về tội Vô ý làm chết người. Bị cáo Nguyễn Thị Thủy 12-15 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Nguyễn Bích Quy bị đề nghị tuyên phạt từ 20-24 tháng tù.
Theo cơ quan công tố, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bích Quy đã cẩu thả trong việc kiểm tra học sinh, trong khi đó bị cáo Doãn Quý Phiến quá tự tin khi không kiểm tra trên xe, còn bị cáo Nguyễn Thị Thủy đã không thực hiện trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm, biết học sinh vắng mặt không lý do nhưng lại không thông báo cho gia đình.
Lời khai tại tòa của bị cáo Quy tại CQĐT cũng như tại tòa, cùng các chứng cứ khác, trong đó có dữ liệu từ camera cho thấy sáng 6/8, bị cáo không phát hiện cháu Lê Hoàng Long (nạn nhân) ngủ trên xe, không phát hiện, không kiểm tra dẫn tới bỏ quên cháu. Đối với bị cáo Phiến, tại tòa, bị cáo khai chỉ có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng khi lái xe chứ không có trách nhiệm bàn giao học sinh.
Dù vậy, bị cáo thừa nhận mình đã chủ quan khi không kiểm tra lại khoang phía sau, đây là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách, dẫn tới việc không phát hiện cháu bé bị bỏ quên. Trong khi đó, nếu vắng học sinh, bị cáo Thủy phải có trách nhiệm liên lạc với phụ huynh hoặc thông qua phần mềm quản lý sỹ số của trưởng, qua email hoặc qua điện thoại. Bản thân bị cáo được tập huấn công tác chủ nhiệm nhưng đã không kịp thời thông báo với phụ huynh.
Đại diện VKS nhận định hành vi của các bị cáo là độc lập. Cháu Long tử vong trực tiếp phát sinh từ việc bị cáo Quy không kiểm tra xe, tiếp đó bị cáo Phiến tin tưởng bị cáo Quy nên cũng không kiểm tra, cuối cùng là bị cáo Thủy không thông báo với gia đình nên không kịp thời phát hiện nạn nhân. Hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của trường học, đến quyền sống thiêng liêng và cao quý nhất của nạn nhân, khiến cháu bé tử vong.
Vụ việc này không chỉ để lại hậu quả về vật chất mà còn gây tổn thương to lớn về tinh thần cho gia đình, là tiếng chuông cảnh tỉnh toàn ngành giáo dục trong công tác quản lý học sinh cũng như việc sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh do bên thứ ba cung cấp.
Theo Trọng Phú (VOV.VN)