Người xứ Nẫu trồng phúc bồn tử
Người địa phương đã đặt cho thầy giáo- doanh nhân - tỷ phú nông dân Huỳnh Trung Quân (ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, quê gốc ở Bình Định) nhiều biệt danh khác nhau, nhưng với tôi, “tỷ phú phúc bồn tử” là chuẩn nhất!
Từ người làm thuê...
Tiếp chúng tôi tại văn phòng Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân, Giám đốc Huỳnh Trung Quân tâm sự: tôi quê gốc ở Bình Định, theo gia đình lên Kon Tum lập nghiệp hơn 30 năm trước, từng dạy học tại Kon Tum trong 2 năm (1997-1998). Năm 1999, khi 24 tuổi tôi nghỉ việc, rời Kon Tum sang Đơn Dương (Lâm Đồng) mưu sinh. Sau khi lăn lộn với nhiều công việc, tôi vào làm việc tại Công ty Agropac, một DN Pháp đưa cây phúc bồn tử từ Pháp sang trồng ở Lâm Đồng tại các xã Đạ Ròn, Tu Tra thuộc huyện Đơn Dương. Nhờ chịu khó, chăm chỉ, lại có kiến thức, từ một lao động phổ thông, tôi được lãnh đạo công ty cất nhắc lên làm thủ kho vật tư rồi làm quản lý nông trại. Công việc phát triển tốt, năm 2007 tôi lập gia đình. Mọi thứ đang thuận lợi, thì đùng cái - năm 2008, công ty đổi chủ, nông trại phúc bồn tử bị DN mới xóa sổ để trồng cây khác. Tiếc loại cây nhiều hứa hẹn này, tôi mua thanh lý một số cây phúc bồn tử mang về trồng ở vườn nhà mình. Sau đó tiếp tục nhân giống và trồng trên diện tích 2.000 m2 đất vườn.
Anh Huỳnh Trung Quân trong trang trại phúc bồn tử của mình.
Thời gian làm việc cho Agropac, Quân có điều kiện nghiên cứu và hiểu thêm giá trị của cây phúc bồn tử. Phúc bồn tử có nguồn gốc hoang dại được phát hiện tại các nước Đông Nam Á và Bắc Mỹ vào thế kỷ 13. Đến cuối thế kỷ 19 người ta đã nghiên cứu, sản xuất hạt giống phúc bồn tử đầu dòng cho năng suất cao; đây là loại thảo dược quý, giàu vitamin C có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh ung thư, chống lão hóa, tăng cường trí nhớ, đề kháng các bệnh tim mạch... Từ đó, loài cây này phát triển ở châu Âu và di thực đến nhiều nước. Quả phúc bồn tử có 2 màu đỏ và đen. Ở Việt Nam nó được gọi là quả mâm xôi.
... đến Tỷ phú phúc bồn tử
Không phải tự nhiên mà Agropac đổi chủ và những người chủ mới không mặn mà với phúc bồn tử. Lợi nhuận từ việc canh tác giống cây này được đánh giá là không khả quan. Cây trồng ngoài trời khả năng chống chọi các dịch bệnh kém, dễ chết; đưa vào trong nhà kính thì cho sản lượng khá thấp… Ngược lại với họ, do từng có thời gian gắn bó với phúc bồn tử, anh Quân tin rằng việc “leo cau” đã gần đến buồng, nên tự nghiên cứu, tìm tòi cách thức làm chủ việc trồng phúc bồn tử.
Quả phúc bồn tử màu đỏ khi mới thu hoạch.
Nhờ có kiến thức Hóa - Sinh được học ở trường Đại học Quy Nhơn, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế canh tác; đặc biệt là khả năng kiên trì nghiên cứu, dần dần Quân đã giải mã được đặc tính sinh trưởng của loài cây này và cách thức canh tác làm sao để chúng thích ứng tốt với điều kiện ở Lâm Đồng. Anh đưa toàn bộ diện tích cây trồng trong nhà kính; trồng theo luống, làm giàn để cây leo; quy trình tỉa cành, tưới nước, bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt; phát hiện và phòng trừ kịp thời các bệnh dịch như sâu, rệp, gỉ sắt, phấn trắng, nhện đỏ… nên cây sinh trưởng tốt, cho nhiều quả. Không chỉ có vậy, anh đã nghiên cứu tạo ra các giống phúc bồn tử mới với thân và nhánh lá cây không có lông và gai, cho quả nhiều và chất lượng cao. Và Huỳnh Trung Quân được ghi nhận là người Việt Nam đầu tiên trồng thành công cây phúc bồn tử lấy trái làm sản phẩm hàng hóa. Năm 2009, anh thành lập Cơ sở sản xuất kinh doanh Huỳnh Trung Quân - tiền thân của Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân - để mở rộng kinh doanh.
Quả phúc bồn tử màu đen loại 1 có giá từ 300 nghìn - 400 nghìn đồng/kg
Hiện nay, ngoài 2 ha đất của gia đình trồng phúc bồn tử trong nhà kính, anh Quân còn thuê 7.000 m2 đất của nông dân để trồng phúc bồn tử; liên kết với 5 nhà vườn khác tại huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt trồng và bao tiêu sản phẩm phúc bồn tử tươi. Riêng mình, anh Huỳnh Trung Quân đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất khép kín: Từ nhân giống, trồng, chăm sóc, thu quả tươi và chế biến các loại sản phẩm từ quả phúc bồn tử, đóng gói, dán tem và bán ra thị trường.
Vườn phúc bồn tử trở thành điểm du lịch
Ngoài bán ra thị trường, sản phẩm quả phúc bồn tử tươi với giá từ 120 nghìn đồng/kg đến 300 nghìn đồng/kg, với khả năng nhạy bén của mình, anh Quân còn cho xây dựng nhà máy chế biến rượu vang phúc bồn tử và sản xuất một số sản phẩm thứ cấp khác như: Rượu, trà, mứt, mật, phúc bồn tử sấy khô, sô cô la, mặt nạ dưỡng da, nước cốt….
Một số sản phẩm thứ cấp được sản xuất từ quả phúc bồn tử của Huỳnh Trung Quân được thị trường ưa chuộng.
Trò chuyện với tôi, Quân cho biết, thật ra bán quả tươi thì giá rẻ và hiệu quả kinh tế không cao bằng chế biến thành các loại sản phẩm thứ cấp, hơn nữa khi mình chế biến như vậy thì thời gian bảo quản còn lâu dài hơn. Hiện nay, quả phúc bồn tử tươi và 7 loại sản phẩm từ phúc bồn tử thương hiệu Huỳnh Trung Quân đã có mặt trên thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu. Chưa dừng lại đó, để chủ động nguồn giống cây con chất lượng, năm 2018, anh Quân đã xây dựng trung tâm mô của riêng mình với mục tiêu nghiên cứu, lựa chọn và nuôi cấy mô cây giống phúc bồn tử chất lượng cao phục vụ việc sản xuất, tiết kiệm chi phí.
Hiện nay mỗi năm, sản lượng phúc bồn tử của Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân đạt từ 45 - 60 tấn quả phúc bồn tử tươi. Xuất sắc trong lao động sáng tạo, khẳng định thương hiệu mới trên thị trường, anh Huỳnh Trung Quân đã nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Cúp vàng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…Và điều thú vị là từ năm 2017, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân được tỉnh Lâm Đồng chọn làm điểm tham quan du lịch canh nông của tỉnh. Từ đó, hàng năm, Công ty trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo các nhà khoa học, học sinh, sinh viên và khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm...
THANH DƯƠNG HỒNG