Tuồng không chuyên & mùa hy vọng
Một mùa xuân nữa đang đến, len lén trong không khí nghe như có tiếng trống tuồng ngân lên thúc giục, dội về từ ký ức xa xưa. Vào những ngày cuối năm này, những đoàn tuồng không chuyên cũng đã dần ký xong hợp đồng để bắt đầu mùa diễn.
Ăn theo thuở ở theo thời, cuộc sống của người dân dần đổi khác nên cách thưởng thức, thị hiếu cũng thay đổi ít nhiều. Những đoàn tuồng không chuyên bôn ba khắp nơi cũng có những thay đổi cho phù hợp. Ngày trước, chẳng có nhiều loại hình giải trí như bây giờ, sau khi xong công việc đồng áng, người ta ăn vội chén cơm và đi xem tuồng đến tận khuya. Sân khấu hạ màn mới về. Trẻ nhỏ ngủ trong lòng người lớn say sưa, tiếng trống tuồng cứ âm thầm đi vào giấc ngủ.
Dù chỉ là những nghệ sĩ tuồng không chuyên nhưng bước lên sân khấu là họ “cháy” hết mình.
Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Năm nay mưa gió ít, nắng hanh nhiều, trời lạnh muộn, trong cái náo nức mong ngày xuân về, chúng tôi lại vui bước đến với các nghệ nhân tuồng. Gắn bó với tuồng từ khi mới lớn cho đến bây giờ, Nghệ nhân Ưu tú Minh Lưỡng, ông bầu Đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên Nhơn Hưng (TX An Nhơn), chia sẻ: “So với ngày trước, giờ khán giả tuy có giảm nhưng vẫn còn đủ để diễn, người xem cũng không còn ngồi tới khuya để xem cho trọn hết vở. Do vậy nếu như trước kia 20 giờ chúng tôi mới bắt đầu biểu diễn, thì giờ phải mở màn diễn sớm hơn, đồng thời làm vở tuồng gọn hơn để khán giả có thể xem trọn vẹn!”.
Năm nay, nhiều đoàn biểu diễn phục vụ khá sớm, có những đoàn ra quân từ mùng Một Tết. Nghệ nhân Ưu tú Minh Lưỡng cho biết: “Lịch diễn của đoàn mình kín từ mùng Một đến mùng Năm, mùng Sáu Tết, anh em diễn viên hăm hở lắm. Đoàn mình đa năng, vừa có thể biểu diễn tuồng, vừa diễn được bài chòi nên người dân nhiều nơi rất ưng”.
Đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên Ánh Dương cũng có lịch biểu diễn rất sớm, ngay từ mùng Một Tết. Mở đầu mùa biểu diễn của đoàn là Lễ hội Chợ Gò. Nghệ nhân Ưu tú Thu Hường, Trưởng đoàn, giãi bày: “Vì truyền thống đoàn tuồng, vì tình thương của khán giả nên dù đoàn gặp nhiều khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng biểu diễn phục vụ khán giả. Mùa diễn đến không chỉ là dịp để anh em nghệ sĩ sống với nghề mà còn là dịp gặp gỡ, động viên, chia sẻ những khó khăn của nhau. Nhờ những tình cảm đó, đoàn mới có thể đi tiếp đến ngày nay”.
Ngày Tết, ngày xuân các đoàn tuồng không chuyên chung lưng đấu cật, dốc lòng cho niềm yêu mến nghệ thuật truyền thống. Tình yêu của họ nhận được sự cộng hưởng. Ông bầu Đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên Sao Mai, nghệ nhân Hữu Trí chia sẻ: “Đã quen biết với nhau rồi nên dù ngày Tết nhiều đoàn có nhu cầu tìm diễn viên nhưng anh em vẫn gắn bó thủy chung. Không chỉ vậy, những nơi thường diễn, người dân ở đó cũng đã yêu mến nên hay ưu tiên ký hợp đồng với đoàn. Đây là niềm vui lớn đối với chúng tôi. Những năm diễn gần chúng tôi có thời gian ăn Tết ở nhà, diễn xa thì coi như ăn Tết cùng đoàn hát. Đó là nghề, là duyên rồi”.
Với những nghệ nhân hát bội không chuyên, Tết là dịp để họ tập trung diễn, bù lại những mùa thưa vắng hợp đồng. Những nghệ nhân chân đất vẫn từng ngày lặng thầm với nghệ thuật truyền thống, tự động viên nhau, nhặt nụ cười qua những nẻo truân chuyên...
Với những nghệ nhân hát bội không chuyên, Tết là dịp để họ tập trung diễn, bù lại những mùa thưa vắng hợp đồng. Những nghệ nhân chân đất vẫn từng ngày lặng thầm với nghệ thuật truyền thống, tự động viên nhau, nhặt nụ cười qua những nẻo truân chuyên... Yêu tuồng nên gắn bó và xem đó như máu thịt đời mình, có người, tự bỏ tiền túi ra để thực hiện liveshow nhằm để thỏa lòng mình với tình yêu hát bội, để tri ân tổ nghiệp và thầy dạy, cũng là góp thêm chút lửa cho nghệ thuật hát bội trước những khó khăn thách thức. “Mỗi lần nghe tiếng trống tuồng vang lên, tôi lại nhớ ngày đi diễn cùng ba má. Đó là thuở vàng son của tuồng, người xem nườm nượp. Tôi lớn lên với tuồng và may mắn học nghề từ ba má và nhiều nghệ nhân tiền bối. Những ngày Tết, dù bận bịu nhưng khi có đoàn mời diễn, tôi vẫn cố gắng thu xếp”, nghệ sĩ Hoàng Việt, người vừa tổ chức liveshow hát bội năm 2019, trải lòng.
Nhắc về chuyện nghề, tôi không khỏi thích thú khi trò chuyện cùng vợ chồng nghệ nhân Phan Ngọc Bạn và Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Hạnh. Anh Bạn rôm rả: “Hai vợ chồng cứ túc tắc làm. Được cái vui là đi đâu cũng có đôi, có cặp. Hai người cùng làm nghề nên dễ cảm thông cho nhau”. Rồi anh Bạn chỉ vào đống đồ nghề lỉnh kỉnh đặt trước sân bảo rằng: “Giờ mình lo chuẩn bị áo mão, đến mùng Một Tết là cả đoàn xuất quân đi diễn ròng. Còn nhớ năm ngoái, ngay từ mùng Một đoàn mình đã lụi hụi đi diễn. Từ Mỹ Thắng (Phù Mỹ) đến Cát Tân (Phù Cát) rồi quay về lại Nhơn Mỹ (An Nhơn)…, ai yêu cầu diễn gì là mình diễn nấy. Từ tuồng đồ, tuồng hài đến tuống tiểu thuyết. Ngày Tết nếu diễn gần thì tranh thủ chạy về thắp hương ông bà, còn diễn xa thì chịu. Nhiều người cũng tâm tư nhưng người nghệ sĩ không chuyên thì sân khấu chính là mái nhà mà. Bởi thế, cứ bước lên sân khấu là “cháy” hết mình. Diễn ròng một kíp bốn, năm tiếng đồng hồ mà không biết mệt, cứ diễn hát say sưa”. Anh tâm sự, đoàn tuồng anh nhiều năm nay vẫn giữ sự ổn định về lực lượng nên các diễn viên trong đoàn ráp vai là diễn ăn ý với nhau. Cuối tháng Chạp là anh em lại rộn rã tập hợp, thông báo lịch trình “chạy sô” để mọi người thu xếp.
Những ngày này, gặp các nghệ nhân đoàn tuồng không chuyên, nghe họ chia sẻ bao vui buồn chuyện nghề, nhìn họ cấp tập chuẩn bị cho mùa diễn chủ lực trong năm, lại nghe náo nức lòng mình. Lại hy vọng từ cú chuyển mình khi bài chòi cổ được UNESCO vinh danh, sẽ tới phiên tuồng được đổi đời. Lại nghe hơi ấm mùa xuân lan tỏa trong tiếng trống tuồng rộn rã.
LINH NHI – ĐỖ THẢO