Trồng dâu tây thành công trên đất gò đồi
Bằng kinh nghiệm và ý chí, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám - chị Nguyễn Thị Nữ (khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn) đã từng bước chinh phục cây dâu tây Đà Lạt đơm hoa kết trái trên vùng đất gò đồi. Vườn dâu tây hơn 1.500 gốc của vợ chồng anh được trồng cả trên luống và trong những chậu nhựa nhỏ xinh xắn giống như cây cảnh trên chân đất gò Chồi Điếm, sau hơn 4 tháng đã có hơn 80% gốc cho những quả đầu mùa.
Vườn dâu tây đang cho hoa trái trong vườn nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám - chị Nguyễn Thị Nữ.
Tích lũy kinh nghiệm sau gần chục năm mưu sinh bằng nghề trồng rau, củ, quả thuê ở Hóc Môn và Đà Lạt, năm 2018 vợ chồng anh Tám trở về quê mua 1.000 m2 đất trồng keo để xây dựng trang trại trồng rau sạch. Đến tháng 6.2019, từ vốn vay 20 triệu đồng của Hội Nông dân thị trấn Bồng Sơn, anh chị đầu tư mô hình trồng dâu tây - ước mơ ấp ủ bấy lâu từ khi trở về quê nhà. Anh Tám chia sẻ về việc mạo hiểm đầu tư hàng chục triệu đồng đưa cây dâu tây từ xứ ôn đới về trồng trên vùng đất gò đồi: “Nếu không có những trải nghiệm trong thời gian dài làm thuê cho những trang trại trồng dâu tây thương phẩm và xuất khẩu trên cao nguyên Đà Lạt thì vợ chồng tôi không thể trồng thành công cây dâu tây, nhất là trên vùng đất có khí hậu nắng nóng. Dâu tây có nhiều giống khác nhau như dâu Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, mỗi loại đều có đặc tính và điều kiện nhiệt độ khác nhau. Trong quá trình trồng, hàng tuần phải theo dõi, hái lá hư, lá úa vàng để cây ra lá mới. Ngoài ra, còn phải thường xuyên có mặt ở vườn để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh khác. Cây dâu tây khó nhất là khâu dinh dưỡng”.
Có kinh nghiệm là vậy, nhưng khi chọn mua 2.000 cây dâu con giống Nhật chịu nóng từ Đà Lạt về trồng, anh Tám cũng phải chấp nhận hao hụt khoảng 10%, chưa kể một số cây chậm phát triển do giống dâu tây nhạy cảm với thời tiết. Nhưng nhờ vào sự cần mẫn tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc, kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt, hiện trang trại của anh có khoảng 1.500 gốc dâu tây được trồng trong chậu cảnh và chừng 1.000 gốc được chiết cành giâm trên luống phủ bạt.
“1.500 chậu dâu tây trồng chậu cho quả lần đầu đã được tư thương trong và ngoài địa phương đến đặt mua bán Tết, với giá trung bình từ 80.000 đồng đến 120 nghìn đồng/chậu. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để bà con trồng loại cây này tại địa phương”, anh Tám chia sẻ niềm vui.
Ông Nguyễn Bồng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bồng Sơn, cho hay: “Vợ chồng anh Tám, chị Nữ là một trong số rất ít nông dân địa phương dám nghĩ, dám làm trong phát triển mô hình nông nghiệp sạch. Từ mô hình rau sạch, nay cũng là người tiên phong mở hướng phát triển một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Bồng Sơn nói riêng, huyện Hoài Nhơn nói chung. Bước đầu cho thấy loại cây trồng mới này được nhiều người ưa thích, tìm hiểu và đặt hàng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi giúp anh tiếp cận được nhiều nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất”.
DIỆP BẢO SƯƠNG