Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh:
Nhiếp ảnh Việt Nam có bước đi nhanh với thời đại
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, xung quanh hoạt động nhiếp ảnh thời gian gần đây.
- PV: Hoạt động của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh gần đây có gì mới, thưa ông?
Ông VŨ QUỐC KHÁNH: Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam những năm gần đây đang có nhiều đổi mới. Chúng ta đã có những bước hội nhập với các xu thế nhiếp ảnh của thế giới, nắm bắt và có những thông tin khá đầy đủ giúp hội viên có thể tham gia các cuộc thi quốc tế. Đối với trong nước, không chỉ dừng lại ở các cuộc thi ảnh trên giấy mà hội còn tổ chức các cuộc thi qua các phương tiện kỹ thuật số, vừa mang tính ưu việt của công nghệ cao vừa hỗ trợ nhiếp ảnh Việt Nam có sự đột phá trong sáng tạo. Việc tổ chức các cuộc thi bằng file mềm từ khâu gửi ảnh đến khâu chấm ảnh, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tác và công bố tác phẩm được rộng rãi hơn, vì vậy mà chất lượng ảnh cũng được nâng cao.
Trong một cuộc thi có nhiều đề tài khác nhau, bắt buộc người nghệ sĩ phải suy nghĩ, xây dựng ý tưởng cho đến hình tượng như cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế VN-13 vừa được chấm xong, có các nội dung: thiên nhiên, du lịch, chân dung, tự do... Về triển lãm ảnh, chúng tôi chủ trương đưa tác phẩm ảnh đến gần với công chúng, như sau triển lãm có thể trưng bày các tác phẩm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TPHCM, Đà Nẵng... Hướng tới sẽ tổ chức nhiều triển lãm ảnh ngoài trời. Song song với các hoạt động, hội tổ chức nhiều trại sáng tác ảnh quy mô khu vực, thu hút hàng trăm hội viên tham dự.
Một điểm nhấn đáng mừng là Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã có Trung tâm Lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam. Đây là công trình đồ sộ, là mơ ước nhiều năm của giới nhiếp ảnh và đã được nhà nước đầu tư thỏa đáng. Hiện nay, công trình về cơ bản đã hoàn thiện và đã đưa vào hoạt động.
- Nhiều người cho rằng, Việt Nam là cường quốc về nhiếp ảnh. Lại có ý kiến chúng ta đang tụt hậu về nhiếp ảnh... Vậy, trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới chúng ta đang ở vị trí nào?
Tôi cho rằng, nhiếp ảnh Việt Nam đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ khi chuyển sang kỹ thuật số. Tôi đã từng học ở nước ngoài và đi nhiều nước, thấy ít có quốc gia nào có lượng người yêu thích nhiếp ảnh và chụp ảnh như Việt Nam. Chủ tịch Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới (FIAP) đánh giá: “Việt Nam tuy còn hạn chế nhiều mặt nhưng Việt Nam có một phương pháp sáng tác ảnh riêng khá độc đáo”. Chúng ta đã quá quen những hình ảnh được sáng tạo của chúng ta và có thể không cảm thấy mới nhưng đối với nước ngoài thì ảnh của Việt Nam là lạ, độc đáo. Điều này cũng trả lời câu hỏi vì sao ảnh của Việt Nam luôn luôn giành được nhiều giải thưởng quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta thỏa mãn. Tôi cho rằng nhiếp ảnh của chúng ta đang ở mức trung bình, nhưng đang có những bước đi rất nhanh.
- Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đổi tên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh thành Hội Nhiếp ảnh. Bởi với sự phát triển đa dạng, phong phú và cần thiết hiện nay của nhiếp ảnh trong đời sống thì nghệ thuật chỉ là một thể loại, loại hình của nhiếp ảnh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Quan điểm của chúng tôi vẫn phải là Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, nhưng phạm vi được mở rộng bao gồm nhiều lĩnh vực ảnh khác nhau trong cuộc sống.
- Điều trên lại liên quan đến tiêu chí của tổ chức các cuộc thi, chấm ảnh, trao giải và ban giám khảo?
Đúng thế! Không thể có một cái gì tuyệt đối trên đời này, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Ban giám khảo là những con người cụ thể, họ có cảm xúc thẩm mỹ, cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau... Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta khi tham gia một cuộc chơi phải chấp nhận những tiêu chí, quy định của cuộc chơi đó. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã cố gắng có những tiêu chí để chọn lựa ban giám khảo, sao cho phù hợp và tránh được nhiều điều đáng tiếc.
- Ở nhiều ngành nghệ thuật khác, việc phân định rõ ràng thể loại đã được làm từ lâu, vì sao ngành nhiếp ảnh cho đến nay vẫn không minh định được vấn đề thể loại. Điều này đã dẫn đến nhiều tranh cãi và nhiều bức xúc của giới nhiếp ảnh.
Việc định nghĩa rạch ròi từng thể loại ảnh, chúng tôi cũng đang cảm thấy lúng túng. Các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình của chúng tôi đang nghiên cứu để có thể định nghĩa được một cách tương đối nào đấy, sát và phù hợp với Việt Nam.
- Câu hỏi cuối cùng, hệ thống lý luận phê bình của Hội Nhiếp ảnh, theo nhiều ý kiến, hình như hoạt động không hiệu quả?
Đây là một công tác rất khó, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi công tác lý luận phê bình của các ngành nghệ thuật khác cũng đang rất yếu, thiếu và khủng hoảng. Chúng tôi sẽ cố gắng để công tác lý luận phê bình hoạt động có hiệu quả.
Theo CAO MINH (SGGPO)