Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh: Khá hơn nhưng vẫn chưa tốt
Tại cuộc họp Hội đồng Quản lý Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh vào cuối tháng 12.2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của Quỹ Phòng chống thiên tai, sự đóng góp của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh cho nguồn vốn của Quỹ. Sở dĩ lãnh đạo tỉnh phải nhấn mạnh nhiều lần là do vẫn còn nhiều tổ chức, DN chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đóng góp vào Quỹ.
Quỹ Phòng chống thiên tai nhằm hỗ trợ cho các địa phương trong khắc phục hậu quả của thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
- Trong ảnh: Người nhân xã Nhơn Hải được hỗ trợ bao cát chằng chống nhà cửa trong đợt bão lớn cuối năm 2019 vừa qua.
Nếu năm 2018, chỉ có 118/903 đơn vị, tổ chức nộp 4,481 tỷ đồng vào Quỹ Phòng chống thiên tai, không có huyện nào tổng hợp xong kế hoạch thu và gửi về Quỹ; thì năm 2019 mọi việc đã khá hơn rất nhiều. Theo ông Lê Trung Hậu - Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh - lũy kế đến ngày 15.1.2020, kết dư của Quỹ được hơn 13,8 tỷ đồng, với 311 tổ chức, đơn vị, DN đóng góp. Dù vậy, ông Hậu cho rằng nếu thực hiện tốt, số thu sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Mục đích Quỹ là trợ lực KT-XH, giảm gánh nặng chi ngân sách địa phương. Phạm vi trợ lực của Quỹ là giúp khắc phục hậu quả của thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng lại gần như không thể tránh khỏi. Chính vì thế, hàng năm, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều có kế hoạch khoanh vùng các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai như các vùng biển, bãi ngang thường xuyên ngập lụt, các xã miền núi có nguy cơ sạt lở cao, cô lập… để lên kế hoạch dự phòng, hỗ trợ người dân ở các nơi này. Khoản kinh phí này được trích từ ngân sách theo kế hoạch cân đối thu chi hàng năm.
Trên nguyên tắc “giúp ngặt chứ không thể giúp nghèo”, khi có thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, bất ngờ, Quỹ sẽ giúp các cấp chính quyền, địa phương hỗ trợ kịp thời cho người dân. Chẳng hạn, vào mùa mưa bão cuối năm 2019 vừa qua, khi người dân Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) phải di dời vì sóng làm sập bờ kè, trong một thời gian quá ngắn không thể thực hiện chi liền ngân sách, Quỹ phòng chống thiên tai đã phát huy vai trò của một quỹ ngoài ngân sách, chi ra phục vụ.
Đến nay Quỹ Phòng chống thiên tai đã nhận được sự đóng góp tích cực của nhiều đơn vị, nhiều địa phương, điển hình như Hoài Nhơn, An Lão, Tuy Phước…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công, cho biết, Hoài Nhơn là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, trong đó, các xã ven biển chịu thiệt hại nặng nề. Trong những lần như thế, người dân ở các vùng khó khăn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn ngân sách của tỉnh, trung ương và các quỹ tài chính ngoài ngân sách để khắc phục. Nhận thấy được vai trò của nhóm quỹ tài chính ngoài ngân sách, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Hoài Nhơn xây dựng kế hoạch đóng góp cho Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh. Đến nay, Hoài Nhơn đã đóng góp vào quỹ 1,4 tỷ đồng. Trong năm 2020, huyện tiếp tục vận động các cá nhân, tổ chức chưa thực hiện việc đóng góp cho Quỹ thì thực hiện đóng; đẩy mạnh tuyên truyền để những cá nhân, đơn vị được rõ hơn về mục đích của Quỹ.
Bên cạnh những cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện tốt, vẫn còn nhiều tổ chức, DN chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đóng góp cho Quỹ Phòng chống thiên tai. Để tiếp tục huy động đủ số tiền đóng góp cho Quỹ, năm 2020, Ban quản lý Quỹ xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc thu - chi; phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai việc đóng góp, chú trọng vào địa bàn TP Quy Nhơn. Bên cạnh đó, Ban quản lý Quỹ đã yêu cầu Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch chi dự phòng của năm 2020 để Hội đồng Ban quản lý quỹ nắm kế hoạch và triển khai.
THU DỊU