Công chiếu 90 tập biên niên sử về ‘Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh’
Theo ông Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, dự án phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh-Biên niên sử truyền hình” sẽ được phát sóng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930-3.2.2020).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc (tháng 2/1951). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Cụ thể, 90 tập phim (với thời lượng từ 25-30 phút/tập) sẽ được công chiếu từ ngày 4.2 trên sóng truyền hình cả nước vào khung giờ vàng; không có chương trình quảng cáo xen lẫn quá trình phát sóng.
Phim phản ánh một cách hệ thống, đầy đủ, xuyên suốt về quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại Hồ Chí Minh cho đến nay.
“Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh-Biên niên sử truyền hình” có sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo, chính khách, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế…
Nghệ sỹ nhân dân Lê Thi-tổng đạo diễn của dự án phim cho biết đội ngũ biên kịch đã lựa chọn những sự kiện tiêu biểu của từng năm để thể hiện trong các tập phim. Nói khác đi, những dấu mốc quan trọng trong tiến trình của lịch sử được thể hiện theo tuần tự thời gian, khẳng định sự phát triển trường tồn của dân tộc luôn song hành cùng sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nội dung phim cũng khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, 90 tập phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh-Biên niên sử truyền hình” cũng tập trung tuyên truyền, phản bác các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc sự thật lịch sử, xuyên tạc về Đảng, Nhà nước và lãnh tụ nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.
Nhà báo Đinh Như Hoan cho biết đây là dự án lớn với một khối lượng nội dung đồ sộ, liên quan đến mọi lĩnh vực trong quá trình lịch sử kéo dài. Bởi vậy, 90 tập phim được tổ chức sản xuất trên diện rộng (cả ở trong nước và nước ngoài).
Từ việc phối hợp với các trung tâm lưu trữ, cơ quan điện ảnh, truyền hình nước ngoài (như Thư viện Quốc hội, Trung tâm Việt Nam (Hoa Kỳ), Trung tâm lưu trữ Đảng Cộng sản Pháp, Trung tâm Điện ảnh Pháp...) êkíp làm phim đã tiếp cận, khai thác được nhiều tư liệu, hình ảnh quý, trong đó có một số tư liệu lần đầu được giới thiệu ở Việt Nam.
Theo P. Mai (Vietnam+)