Bóng đá Việt Nam quay về bao cấp
Bóng đá Việt Nam đang đứng trước làn sóng trả hoặc bỏ đội bóng sau khi việc lợi dụng bóng đá để làm ăn không hiệu quả.
VFF hoãn đại hội thường niên trong khi Đại hội nhiệm kỳ VII vẫn bị câu giờ. Trong khi đó, ngày 21-11, VPF tiến hành đại hội tại Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng điều hành giải thì phía các… cổ đông là các CLB thì doanh nghiệp bắt đầu làn sóng trả đội bóng về ngành TDTT địa phương, xóa sổ hoặc rã đám, bán phiên hiệu…
Ở thời điểm hiện nay ít nhất là hai đội đang có dấu hiệu trở lại thời bao cấp là Khánh Hòa (mùa tới chơi hạng Nhất do tỉnh nuôi) và V. Hải Phòng (quay về với UBND TP Hải Phòng và sẽ trao Sở VH&TT-DL TP Hải Phòng lên kế hoạch đầu tư).
Khu vực Đông Nam Á chẳng có nền bóng đá nước nào như Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Cái thiếu của bóng đá Việt Nam hiện nay chính là các CLB, những nhà quản lý cấp CLB. Các doanh nghiệp tiếp nhận đội bóng địa phương thế là đưa những tay quản lý tay ngang (có thể là quản lý kinh tế) vào mượn bóng đá để bắc cầu làm ăn, để có những cơ chế rộng và thoáng cho doanh nghiệp nhưng lại là phá tanh banh đội bóng rồi hô biến, trả đội bóng về địa phương. Kiểu phá này thì hiện nay kể ra không hết. Nhiều ông lãnh đạo đội quen thói chửi bới lính tráng vào bóng đá cũng hành xử y như vậy. Thậm chí có lãnh đạo bước vào bóng đá khi thấy phật ý mình thế là hô hoán nói dẹp đội bóng mà chẳng có chút trách nhiệm gì.
Thực tế bóng đá Việt Nam có rất nhiều CLB tiềm năng kiếm tiền tốt như Hải Phòng, SL Nghệ An, Bình Dương, SHB Đà Nẵng… do lực lượng cổ động viên hùng hậu. Nếu họ có một đội ngũ lãnh đạo CLB đúng chất chuyên nghiệp, họ có thể tìm kiếm tài trợ rất nhiều. Thậm chí các đối tác nước ngoài sẵn sàng tham gia với điều kiện phải làm đúng chất chuyên nghiệp và làm tử tế chứ đừng chụp giật.
Thế nhưng khuynh hướng làm bóng đá theo kiểu đặt mấy ông làm kinh tế vào rồi khai thác theo kiểu tiền đi nhiều thì lại quả to và thế là tan nát đội bóng. Rõ nhất là bóng đá Hải Phòng vốn có truyền thống rất lâu đời nhưng nay thì kiếm một cầu thủ gốc Hải Phòng trong đội bóng tỉnh nhà thật mỏi mắt.
Ở Singapore, Malaysia hay Thái Lan, các cựu danh thủ khi treo giày, có người thì tiếp tục làm công tác huấn luyện nhưng nhiều người khác được bố trí đi học các lớp quản lý bóng đá chuyên nghiệp. Họ học chuyên sâu các lớp marketing, chiến lược phát triển CLB để về phục vụ lại. Điều họ có là sẵn nền tảng am hiểu bóng đá, được đào tạo bài bản sau khi treo giày nên khi tốt nghiệp các khóa học họ về CLB phục vụ rất giỏi.
Bóng đá Việt Nam hầu hết bỏ trắng mảng này. Lãnh đạo CLB quá nhiều những tay quản lý ngoại đạo vào nhiều người tham gia CLB lại đi theo đường “xơ múi” sạch sành sanh, thế là sau thời gian hái quả hoặc làm theo kiểu quyền lợi nhóm thì đội bóng tan nát.
Sau đó thì họ phủi tay trả lại đội bóng cho tỉnh và lại đi tìm “dự án” khác.
Sự bát nháo với lớp vỏ chuyên nghiệp có phần ảnh hưởng rất lớn từ cấu trúc thượng tầng. Khi mà bóng đá Việt Nam làm chuyên nghiệp thì VFF ra rất nhiều luật và quy chế nhưng chẳng bao giờ xiết hay chế tài để các nhà làm bóng đá chạy đúng đường, đi đúng hướng.
. Theo TẤN PHƯỚC (Pháp Luật)