Tết chậm của chị
Gương mặt má tôi vẫn thường ánh lên nét tự hào, tươi vui mỗi khi hàng xóm thắc mắc lẫn trầm trồ ngợi khen: Dâu lớn chị ngộ hen, thành phố gì mà ăn Tết toàn quẩn quanh bếp núc, vườn tược bên bà nội chồng, má chồng không hà?!
Trước khi tới lượt hàng xóm đặt câu hỏi đó, trừ chồng chị, tức anh tôi, trong nhà ai cũng lấy làm lạ, nhất là hội gia đình trẻ. Bởi với những thanh niên ham vui, vô tâm chúng tôi, 3 ngày Tết dường như quá ngắn cho bao nhu cầu thư giãn, tụ tập bạn bè, thăm thú du xuân. Năm đầu làm dâu, anh bảo chở đi chơi đâu, chị cũng cười nhẹ, lắc đầu. Trong mắt tôi khi ấy, Tết đầu ở nhà chồng của người chị thành phố của mình thật “tội nghiệp”, tẻ nhạt đúng nghĩa bởi cứ lẩn quẩn chuẩn bị rau thịt, nấu nướng rồi dọn lên cúng kiếng, rồi dọn rửa… cùng nội và má. Nhưng chúng tôi chẳng chút ngạc nhiên, bởi mặc định: dâu mới mà, phải “thể hiện” chứ. Sang cái Tết năm thứ 2, thứ 3 rồi nay cháu đầu tôi đã là nam sinh cấp 3, 15 cái Tết chị dâu tôi vui vẻ ăn Tết “tẻ nhạt” kiểu ấy. Song, chúng tôi đã không còn chút ngạc nhiên. Và thấy càng thương chị, càng thấy “phước nhà” khi có chị về.
Chị bảo, cả năm làm bận rộn, đi công tác nước ngoài thường xuyên, du lịch cũng nhiều, Tết đến, lại là Tết ở quê, chị chỉ muốn nghỉ ngơi, tận hưởng sự bình yên và vui vầy cùng đại gia đình. Còn đi chơi, mình còn trẻ, thiếu gì dịp. Nội, ba má đã già rồi, con cháu lại ở xa, mỗi năm chỉ vài lần sum họp khi giỗ chạp, nên Tết là dịp đoàn viên, là cơ hội các thành viên thể hiện tình cảm với nhau.
Thế nên, 15 năm làm dâu, mỗi khi về nhà chồng, chị vẫn giữ cái lệ chuẩn bị món sáng cho cả đại gia đình; mỗi ngày Tết 2 lần cúng mặn, nội tin cẩn giao chị “bếp chính”. Về khoản này, ngày còn nhỏ, tụi em chồng chúng tôi mê lắm, vì mỗi lần chị về, chúng tôi lại háo hức được đổi món, với hương vị đặc trưng miền Bắc, miền Nam thật khác bữa ăn thường ngày. Riêng với tôi, cảm giác thân thương nhất về chị là những tối cuối năm, chị kiên nhẫn ngồi canh lửa nồi bánh chưng bánh tét, cạnh nội hoặc má tôi, thủ thỉ chuyện trò. Có những chuyện hồi ức ấu thơ xa xưa hay “thâm cung bí sử” của nội tôi, má tôi mà chính các cô tôi hay tôi còn chưa biết, chị lại biết. Là khi những sáng đầu năm, chị vận những bộ đồ bộ nhã nhặn, đội chiếc nón lá, xách cái giỏ nhựa hay cắp cái thúng tre đi chợ gần nhà. Từ chợ về chị vui như trẻ con, khoe, cả năm con mới về mà người này người kia vẫn nhớ, nhận ra con ngay. Là những trưa, những xế, khi nhà vãn khách, chị ngồi nhổ tóc bạc cho nội. Là vẻ thích thú của chị khi đón từ tay anh tôi mớ lá bưởi, lá sả, ổi, bạc hà… anh kiếm từ vườn nhà lẫn vườn nhà hàng xóm, để chị nấu nồi nước tắm “khổng lồ” cho cả nhà, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ ho, cảm; nước thảo mộc thơm thảo như tấm lòng chị. Đã bao lần chứng kiến, song mắt tôi vẫn cay xè, tim ấm áp lạ khi trước mỗi lần về lại thành phố, chị bao giờ cũng đến trước các bàn thờ nhà tôi, thắp hương và nhỏ nhẹ thưa “con đi, mai mốt con lại về, ông bà phù hộ cho đại gia đình mình”.
Có ai hỏi, sao Tết nào cũng không thấy con đi chơi, chị lại viện lý do: cả năm làm bận rộn, đi công tác nước ngoài thường xuyên, du lịch cũng nhiều, Tết đến, lại là Tết ở quê, con chỉ muốn nghỉ ngơi. Cả nhà biết, chuyện không đơn giản chỉ vậy. “Nghỉ ngơi” như cách chị cũng vất vả lắm chứ. Sâu thẳm, đó là bản tính tốt đẹp, tấm lòng chị đối với gia đình. Càng có tuổi, tôi lại càng muốn học ăn Tết chậm như chị.
KHẢI THƯ