Ngành mía đường yếu toàn diện
Doanh nghiệp mía đường không thể tiếp tục trông chờ vào sự bảo hộ của nhà nước mà phải chủ động chạy nước rút mới hy vọng tồn tại khi Việt Nam xóa bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết quốc tế.
Những ngày gần đây, câu chuyện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bán 30.000 tấn đường sản xuất ở Lào về Việt Nam để gia công rồi xuất sang Trung Quốc trở thành sự kiện đáng chú ý. Sự quan tâm của dư luận không dừng lại ở số phận của 30.000 tấn đường mà qua đó cho thấy sức cạnh tranh quá kém của ngành mía đường trong nước.
Thua... tất tần tật
Ngày 24.11, tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân đang thu hoạch mía tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết năm nay năng suất mía thấp do sau đợt lũ vừa rồi, mía bị trổ cờ nên trọng lượng giảm. Theo ông Nguyễn Văn Trường Sơn (ngụ phường Hiệp Thành), 0,2 ha đất trồng mía của ông chỉ cho sản lượng khoảng 30 tấn, không lãi được bao nhiêu. Ruộng mía của nhiều hộ khác cũng trổ trắng cờ. Hộ ông Lê Văn Dữ (cũng ngụ phường Hiệp Thành) trồng 0,5 ha mía KF88-92, sau đợt lũ vừa rồi mía trổ cờ quá nửa và chỉ thu hoạch được gần 70 tấn mía, có nguy cơ lỗ vốn do giá mía giống mua đến 16.000 đồng/kg, chưa kể tiền thuê nhân công. Nhiều hộ trồng mía cho biết năm nay giá thu mua mía của các nhà máy đường chỉ ở mức 800 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 130 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều hộ trồng mía nắm chắc phần lỗ.
Huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) - địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL - hằng năm thường xảy ra tình trạng nông dân bán mía non chạy lũ. Vì mía thu hoạch sớm, chưa đủ trữ đường nên nhà máy mua giá thấp. Theo ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phụng Hiệp, do nông dân sản xuất mía thủ công, giá thành lên đến 810 đồng/kg nhưng nhiều nơi chỉ bán được 740 đồng/kg. “Dù các nhà máy có mua mía giá cao cho nông dân thì người trồng vẫn không có lời vì chi phí sản xuất cao. Trữ đường (CCS) trong mía Việt Nam chỉ đạt bình quân 10, trong khi thế giới là từ 13, 14 đến 16. Nguyên liệu mía kém chất lượng do điều kiện nông nghiệp Việt Nam kém: đất đai manh mún, không cơ giới hóa được, chưa có chính sách hỗ trợ giống, cơ sở hạ tầng, các chính sách khuyến nông khác… nên người trồng mía thu nhập không cao” - ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA, nhận xét.
Theo VSSA, nếu so sánh với các nước, ngành mía đường Việt Nam cái gì cũng thua. Đã qua nhiều năm “cải tiến” nhưng năng suất mía trong nước vẫn ở mức 60-70 tấn/ha, trong khi Thái Lan xấp xỉ 100 tấn/ha. Còn Brazil hiện sản xuất 10 tấn đường/ha mía, Việt Nam chỉ 4-5 tấn đường/ha mía. Cũng theo VSSA, hiện giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và gấp từ 2,4-2,9 lần so với giá mía Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào, do đó doanh nghiệp (DN) rất khó trụ vững khi thuế nhập khẩu đường bằng 0% có hiệu lực từ năm 2015 (theo cam kết của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-AFTA).
Không chạy nước rút thì... chết!
Trao đổi với chúng tôi, nhiều DN tỏ ra băn khoăn về giải pháp vực dậy ngành mía đường khi Việt Nam chính thức mở toang cửa cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường. Bên cạnh việc tự thân nỗ lực, các DN vẫn còn thói quen trông chờ vào chính sách nhà nước. Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, đặt vấn đề: Chính phủ phải có quan điểm rạch ròi và có quyết định dứt khoát giữa việc tạo điều kiện cho DN Việt cạnh tranh hay để đường ngoại tràn vào thị trường, không thể duy trì tình trạng nước đôi như hiện nay. Còn ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, cho rằng quốc gia nào mở cửa hội nhập đều đề ra biện pháp nhằm giới hạn hàng hóa các nước làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước thông qua những rào cản phù hợp, đồng thời nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước. Ngành mía đường Thái Lan phát triển mạnh nhờ chính phủ nước này xác định đây là ngành sản xuất chủ lực, xây dựng cơ chế tài chính; đầu tư cho khoa học kỹ thuật và giao các trường nghiên cứu giống mía, kỹ thuật...
Trong khi đó, theo ông Trịnh Trung Châu, Phó Chủ tịch VSSA, 10 năm nay, ngành mía đường giẫm chân tại chỗ. Mở cửa hội nhập nhưng các DN không có biện pháp để tồn tại. Ngay từ bây giờ, bản thân các nhà máy đường phải xem lại, phải có chiến lược rõ ràng để 5-7 năm nữa có được giá thành sản xuất cạnh tranh. Theo ông Châu, nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành mía đường, chúng ta không thể kêu một chiều mà bản thân phải hành động. Từng DN phải có kế hoạch phát triển, tính toán sao cho nông dân trồng mía có lãi, đạt năng suất chất lượng cao, giá thành sản xuất mía hạ để giảm giá thành sản xuất đường thì mới cạnh tranh được. “Ngay trong vấn đề chống buôn lậu, các DN kêu không cạnh tranh lại đường nhập lậu đang chiếm 1/3 thị trường nhưng đã nghiêm túc bắt tay nhau chống buôn lậu, cam kết không tiếp tay buôn lậu chưa? Chúng ta phải có lộ trình hành động rõ ràng chứ không thể bám hoài vào sự bảo hộ của nhà nước. Chỉ còn 2 năm nữa, các DN không thể tiếp tục ngủ quên mà phải chạy nước rút, DN nào đủ sức thì tồn tại, còn không sẽ chết!” - ông Trịnh Trung Châu khuyến cáo.
. Theo Thanh Nhân - Ca Linh - Nhật Thanh (NLĐ)