Trợ lực cho người khuyết tật
Dự án hỗ trợ người khuyết tật vận động “Vượt lên tất cả” của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức Trung tâm Quốc tế, đã góp phần trợ lực phục hồi chức năng cho nhiều người khuyết tật vận động, thắp lên hy vọng hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Niềm vui vô bờ bến!
Tết này, trong ngôi nhà nhỏ của ông Trần Đình Quý (SN 1941, thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc, Tuy Phước) niềm vui như được nhân đôi khi cô cháu ngoại khuyết tật Nguyễn Thị Cẩm Giang vừa có thể tập tễnh bước đi vừa được hỗ trợ thêm chiếc xe lắc để “đi xa hơn”. Cháu mắc chứng bại não ngay lúc mới sinh ra, suốt 17 năm qua, một tay ông Quý bế bồng, chăm sóc. Đến tháng 7.2017, niềm vui đến khi Cẩm Giang được dự án “Vượt lên tất cả” hỗ trợ khung tập đi. Tập ngồi, tập đứng, rồi tập đi. Gần một năm nỗ lực với sự đồng hành của nhân viên y tế, Cẩm Giang đã bước những bước đi tập tễnh đầu đời. Cuối tháng 12.2019, niềm vui nối tiếp khi Cẩm Giang được dự án hỗ trợ thêm chiếc xe lắc tay.
Sau khi tập tễnh những bước đi đầu đời, Nguyễn Thị Cẩm Giang cũng vừa được hỗ trợ thêm chiếc xe lắc tay.
“Chân đi tập tễnh, cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. Hai tay cũng mới cầm nắm những vật nhỏ, nhẹ. Nhưng những thay đổi nhỏ này của cháu gái đã là niềm vui vô bờ bến với chúng tôi, như chuyện cổ tích vậy!”, ông Quý tâm sự.
Lương y Nguyễn Đức Khánh, chuyên trách y học cổ truyền Trạm y tế xã Phước Lộc (Tuy Phước) cho biết, Cẩm Giang là trường hợp khuyết tật nặng ở cả tay và chân do di chứng bại não, nhưng cũng là trường hợp hồi phục rất nhanh như một điều kỳ diệu sau khi được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp tập đi.
Bác sĩ Trương Văn Kỳ, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước cho hay, riêng năm 2019 đã có 135 trường hợp người khuyết tật (NKT) trên địa bàn huyện được khám sàng lọc tại cộng đồng, qua đó có 120 NKT được cung cấp dụng cụ trợ giúp. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị phục hồi chức năng của dự án cho khoa Y học cổ truyền, TTYT huyện đã có thể tư vấn cho NKT liệt nửa người, liệt tứ chi, thoát vị đĩa đệm, đau khớp, thoái hóa cột sống lưng - cổ tập phục hồi chức năng.
“Tiếp sức” cho ngành phục hồi chức năng của tỉnh
Theo bác sĩ Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền & Phục hồi chức năng tỉnh - đơn vị chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật chính cho dự án, việc hỗ trợ NKT vận động được triển khai tại Bình Định từ năm 2017 đến nay, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dụng cụ trợ giúp có chất lượng cho NKT tại An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước; từ đó nâng cao khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày, hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Đến nay, dự án đã hỗ trợ dụng cụ cho hàng trăm NKT. Riêng năm 2019, có 423 NKT vận động được khám sàng lọc, và 314 NKT được hỗ trợ dụng cụ. Dụng cụ trợ giúp, phục hồi chức năng là phương tiện quan trọng giúp họ phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Dự án cũng hỗ trợ các cơ sở y tế củng cố năng lực cung cấp dịch vụ, mở ra cơ hội cho NKT được tiếp cận những dịch vụ tốt hơn, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, hiện khoa Y học cổ truyền của các cơ sở y tế trong tình trạng thiếu nhân lực lẫn trang thiết bị; bộ phận phục hồi chức năng ở tuyến huyện gần như “trống”. Sự hỗ trợ của dự án đã bước đầu tạo ra những thay đổi cho ngành phục hồi chức năng của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, ưu tiên cho các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện.
TS Nguyễn Thị Mai Hiên, Giám đốc dự án, khẳng định, dự án sẽ được kéo dài đến năm 2022 và mở rộng địa bàn triển khai thêm 2 huyện Phù Cát, Hoài Nhơn. Các hoạt động cũng được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, chăm sóc y tế cho NKT vận động thường quy tại bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Từ năm 2020, dự án tập trung cho những mục tiêu liên quan hỗ trợ, xây dựng chính sách để đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng cho NKT vận động theo hướng mở rộng gói chi trả dịch vụ BHYT cho dụng cụ trợ giúp. Có như vậy, hiệu quả hỗ trợ cho người khuyết tật vận động mới bền vững.
MAI HOÀNG