Phòng chống ngộ độc do rượu, bia
Vào thời điểm cuối năm, nhất là những ngày cận và trong Tết, hiện tượng ngộ độc rượu, bia gia tăng. Nguyên nhân là có những người uống quá nhiều rượu và nhiều loại rượu khác nhau cùng lúc, uống rượu bia không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng…
Bác sĩ CKII Nguyễn Phan Anh Ngọc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội (BVĐK tỉnh) lưu ý: “Ngộ độc rượu, bia sẽ dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc, thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi cái chết nhưng lại bị di chứng suốt đời như: Mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, đặc biệt là bị suy gan, suy thận…”.
Do đó, người nhà cần chú ý chăm sóc người bị ngộ độc rượu bia, tuyệt đối không nên để họ ngủ li bì suốt ngày đêm, bởi có thể dẫn đến hạ đường huyết, hạ nhiệt độ. Nếu người bệnh không thể dậy, không ăn uống được, nên đưa ngay tới bệnh viện để tránh những tình huống đáng tiếc. Khi phát hiện người bị ngộ độc rượu bia, nên cho họ uống nhiều nước ấm, sau đó tìm cách gây nôn; nhưng không được cố gắng gây nôn nếu người đó đã bất tỉnh. Cố gắng giữ người bị ngộ độc rượu bia ở tư thế ngồi, giữ cho họ tỉnh, nới khuy áo cổ, tháo thắt lưng, cho họ uống một cốc sữa nóng, ăn cháo loãng thật nóng. Nếu phải nằm, hãy giúp họ nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái nhằm phòng bị sặc chất nôn, hít chất nôn vào phổi, gây viêm phổi dễ dẫn đến tử vong. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, thở khò khè, loạn nhịp tim, huyết áp cao hoặc thấp, nôn liên tục không kiểm soát được, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay, tránh xảy ra biến chứng hoặc tử vong.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)