Ða dạng hóa phương thức thanh toán tiền điện
Thu tiền điện qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức trung gian thu hộ không chỉ mang lại tiện ích cho khách hàng mà còn giúp Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh nâng cao năng suất lao động, tạo sự minh bạch và chống thất thu.
Theo Công ty Điện lực Bình Định, với hơn 435 nghìn khách hàng, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh trong năm 2019 vượt mốc hơn 2 tỷ kWh, doanh thu gần 3.800 tỷ đồng, thì việc triển khai dịch vụ thu tiền điện qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức trung gian thu hộ là vấn đề rất được quan tâm. Tính đến giữa tháng 1.2020, toàn tỉnh đã có 41,22% khách hàng thanh toán tiền điện hàng tháng theo các phương thức này.
Thu tiền điện tại một bưu cục trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: Thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian thu hộ không chỉ mang lại tiện ích cho khách hàng mà còn giúp ngành Điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch và chống thất thu. Hiện nay, 100% các đơn vị trực thuộc của công ty đã hợp tác với 15 ngân hàng, 6 tổ chức thu hộ và trên 70 bưu cục trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện dịch vụ thu tiền điện. Khi thanh toán tiền điện qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng có thể lựa chọn hình thức phù hợp, như: Thanh toán trích nợ tự động tài khoản; thanh toán qua internet banking/mobile banking/ví điện tử của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán; ủy nhiệm cho ngân hàng thanh toán; thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng (tiền mặt hoặc chuyển khoản)...
Khoảng 3 năm nay, gia đình chị Trần Thị Cẩm Lệ, ở phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) không phải bận tâm đến việc có thể bị cắt điện khi quá thời hạn nộp tiền điện theo quy định. Giờ đây, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là chị Lệ đã có thể thanh toán tiền điện bằng chuyển khoản. “Thanh toán kiểu này rất tiện, lại dễ quản lý được các khoản chi tiêu. Ngành Điện cũng không phải cử nhân viên đến từng nhà để thu tiền”, chị Lệ nhận xét.
Phó Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Bình Định, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hiền, cho hay: “Việc thanh toán tiền điện qua hệ thống ngân hàng hoặc tổ chức trung gian thu hộ mang lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng. Thay vì đến trụ sở Điện lực để thanh toán tiền điện hàng tháng, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện tại các quầy giao dịch của ngân hàng, bưu điện đã được Điện lực Bình Định ký hợp đồng hợp tác. Toàn bộ phí giao dịch do Điện lực Bình Định chi trả. Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ thanh toán gián tiếp qua internet banking, trích nợ tự động, thanh toán qua tài khoản… Sau khi thanh toán xong, hệ thống nhắn tin sẽ thông báo đến email/SMS của khách hàng để xác nhận. Nhờ mang lại nhiều tiện ích nên tỷ lệ khách hàng đăng ký thanh toán qua ngân hàng trong sử dụng điện năng tăng rất nhanh qua từng năm.
Theo ông Hồ Quang Thịnh, trong năm 2020 này, Công ty Điện lực Bình Định đã yêu cầu các đơn vị điện lực trực thuộc tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, các DN, khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người sử dụng điện biết các phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Qua đó, tăng cường sự minh bạch, thuận tiện trong giao dịch dịch vụ điện và đa dạng hóa phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngành Điện.
GIA NGUYỄN