Ðại hội lần thứ I của Ðảng
Vượt qua cuộc khủng bố, đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp đối với cao trào cách mạng những năm 1930-1931, cơ sở đảng, cơ sở quần chúng vẫn tồn tại và phát triển từ Trung ương đến địa phương. Ðồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, cùng các đồng chí lãnh đạo trong nước tổ chức khôi phục phong trào, tổ chức đảng, tiến hành chuẩn bị Ðại hội Ðảng.
Hội nghị thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Tranh của họa sĩ Phan Kế An
Trên cơ sở phong trào cách mạng được phục hồi và sự chuẩn bị từ trước, từ ngày 27 đến 31.3.1935, Ðại hội đại biểu lần thứ I của Ðảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) với sự tham dự của 13 đồng chí đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Ðảng hoạt động ở ngoài nước. Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Ðại hội đã đề ra ba nhiệm vụ chủ yếu của toàn Ðảng trong thời gian trước mắt là: Củng cố và phát triển Ðảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi, chống chiến tranh đế quốc; thông qua Nghị quyết chính trị và Ðiều lệ Ðảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính...
Ðại hội bầu Ban Chấp hành T.Ư Ðảng. Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Ðảng ở Quốc tế Cộng sản. Ðồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng. Tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư của Ðảng. Tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư. Tháng 5-1941, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng họp ở Pác Bó (Cao Bằng) đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Ðại hội lần thứ I của Ðảng đánh dấu sự khôi phục tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng của các giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương…
Theo báo Nhân Dân