Phát triển lâm nghiệp bền vững
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Bình Ðịnh luôn được quan tâm, góp phần phát triển KT-XH, gắn với bảo vệ môi trường, ổn định cuộc sống người dân, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã tổ chức thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án như: Trồng mới 5 triệu ha rừng; phát triển ngành lâm nghiệp (WB3); khôi phục và quản lý rừng bền vững (KfW6)… Cùng với việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngành Lâm nghiệp tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các mô hình giao khoán cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ rừng.
Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp nhóm cộng đồng bảo vệ rừng làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) tuần tra, bảo vệ rừng.
Nhận thức của dân chuyển biến tốt
Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn, đơn vị được giao khoán bảo vệ hơn 20.600 ha rừng tự nhiên. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập 10 mô hình cộng đồng bảo vệ rừng tại các xã: Tây Giang, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Tân, Vĩnh An với diện tích rừng tự nhiên được giao khoán hơn 13.600 ha.
Cả tỉnh hiện có hơn 380 nghìn ha diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp; trong đó diện tích đất có rừng hơn 343 nghìn ha, còn lại là diện tích đất chưa có rừng. Năm 2019, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 54,85%. Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2006 - 2020, diện tích đất có rừng năm 2006 là hơn 257 nghìn ha tăng lên hơn 393 nghìn ha trong năm 2018, độ che phủ rừng tăng từ 40,4% (năm 2006) lên 54,88% (năm 2018). Ðến nay, toàn tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 211 nghìn ha và khoán khoanh nuôi tái sinh hơn 22.400 ha.
Việc giao khoán cho cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và PCCC rừng tại nhiều địa phương. Ông Mai Xuân Luận, thành viên nhóm cộng đồng bảo vệ rừng ở thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “Ngoài việc phối hợp với kiểm lâm địa bàn, CA xã, dân quân xã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, chúng tôi luôn chấp hành các quy định về bảo vệ rừng, PCCC rừng. Nhờ đó, mấy năm gần đây, trong thôn không xảy ra vụ phá rừng nào, kể cả những người dân trước đây chuyên làm nghề đốn củi, đốt than cũng đã chuyển đổi nghề khác và cùng góp sức vào việc bảo vệ rừng”.
Cùng quan điểm như vậy, ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Việc thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp của Nhà nước đã làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có hơn 51.700 ha đất có rừng, trong đó có hơn 46.200 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng phòng hộ và rừng trồng; huyện đã giao khoán cho cộng đồng quản lý, bảo vệ hơn 25.800 ha rừng tự nhiên. Đến nay, người dân nhận đất, nhận rừng hiểu được lợi ích, giá trị kinh tế do rừng mang lại, chung tay bảo vệ, phát triển rừng, hạn chế tình trạng khai thác rừng trái phép, đốt rừng làm nương rẫy.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án trồng rừng gỗ lớn của 3 Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh, Sông Kôn và đồng ý chủ trương cho 4 DN, gồm: Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập (huyện Hoài Nhơn); Công ty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phát, Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (TP Quy Nhơn) và HTX Lâm nghiệp An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) xây dựng đề án liên kết với người dân trồng rừng trong tỉnh thực hiện mô hình tạo vùng nguyên liệu gỗ gắn với quản lý bảo vệ rừng và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC gắn với bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng.
Ông Hoàng Hà Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, phấn khởi: Năm 2010, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với công suất thiết kế 10 triệu cây/năm. Bình quân mỗi năm, công ty sản xuất 5 triệu cây giống lâm nghiệp cấy mô, giâm hom cung cấp khách hàng trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, đơn vị sẽ chuyển sang xuất cây giống cấy mô với công suất mỗi năm từ 6 - 7 triệu cây giống keo lai, keo tràm cấy mô và sẽ phát triển vùng kinh doanh gỗ lớn tập trung khoảng 818 ha theo đề án tỉnh phê duyệt.
Phát triển rừng bền vững là mục tiêu lâu dài của chiến lược phát triển lâm nghiệp mà Trung ương và tỉnh đã triển khai. Riêng tại Bình Định, tỉnh đã có quy hoạch 3 loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất để triển khai giải pháp bảo vệ, phát triển rừng ổn định, tăng độ che phủ rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), cho biết: Để phát triển lâm nghiệp hiệu quả, bền vững, cùng với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành Lâm nghiệp tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống lâm nghiệp, hướng dẫn chủ rừng áp dụng quy trình kỹ thuật, chọn cây giống chất lượng nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng; khuyến khích DN liên kết người dân đầu tư trồng rừng hướng đến tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn, xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC... góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN