Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở:
Người dân chủ động sáng tạo và thụ hưởng
Thực hiện chủ trương đưa văn hóa về cơ sở, những năm qua, hoạt động này diễn ra khá sôi nổi trên toàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, ngoài nguồn “đưa về” cần kết hợp với cách nghĩ, cách làm chủ động, hiệu quả của địa phương.
Hỗ trợ cho “vùng trũng”
Dấu ấn “đưa văn hóa về cơ sở” đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều thôn, làng vùng sâu vùng xa trong tỉnh, thông qua những hoạt động sôi nổi diễn ra tại địa phương.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trung bình mỗi năm, 10 Đội Chiếu bóng lưu động trong tỉnh, Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh, 10 Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm VH-TT&TT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hàng ngàn buổi chiếu phim, hàng chục chương trình văn nghệ ở cơ sở. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh đã phát hành 8 đợt phim, thực hiện 2.047 buổi chiếu, giới thiệu 22 bộ phim truyện nhựa và 630 bộ phim đĩa hình, thu hút hơn 150 ngàn lượt người xem.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo trong tỉnh sôi nổi hơn nhờ chủ trương đưa văn hóa về cơ sở.
- Trong ảnh: Một buổi chiếu phim lưu động tại xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão.
Nhiều bộ phim hay đã được đưa đến với người dân trong tỉnh, từ miền núi đến vùng ven biển, có thể kể đến: thôn 1, 2 (An Toàn), thôn 4, 5, 6 (An Quang), cả 7 thôn của xã An Vinh - huyện An Lão; thôn K2, K3, K4, K8 (Vĩnh Sơn), thôn O2, O3, O5, Kon Trú (Vĩnh Kim) - huyện Vĩnh Thạnh; thôn Kà Bông, Kà Bưng, Kà Nâu, Kon Lót (Canh Liên) - huyện Vân Canh; thôn 1, 2, 3, 5 (Bok Tới), thôn T6, O10, O11 (Đăk Mang) - huyện Hoài Ân; thôn Kon Giang, Giọt 1, Giọt 2, Xà Tang (Vĩnh An) - huyện Tây Sơn; xã bán đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn)… Chưa nói đến yếu tố hay dở, nếu không có các đội kể trên về phục vụ, những thôn xóm, bản làng vừa kể gần như không được xem phim, thưởng thức các chương trình văn nghệ.
Chủ trương đưa văn hóa về cơ sở cũng được Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, một đơn vị nằm trong hệ thống công đoàn, hưởng ứng mạnh mẽ. Duy trì từ năm 2010 đến nay, với hai chương trình chủ lực là “Hát cùng công nhân” và “Gameshow Giờ thứ 9”, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đã đưa những sân chơi sôi nổi này về các khu công nghiệp, địa bàn dân cư tại nhiều địa phương trong tỉnh. Năm 2012, chương trình được tổ chức tại thị trấn Vân Canh, thị trấn Vĩnh Thạnh, xã An Trung (huyện An Lão), xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn)…; năm 2013, tại các xã Ân Hảo, Ân Phong (huyện Hoài Ân), Bình Hòa, Tây Giang (huyện Tây Sơn), thị trấn Tam Quan, xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn)… Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Hội VH-NT Bình Định, Bộ đội Biên phòng tỉnh… cũng thường xuyên có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về cơ sở.
Địa phương chủ động
Tuy có nhiều hoạt động, nhưng trên thực tế, đời sống văn hóa ở một địa phương khó có thể sôi nổi nếu chỉ trông chờ vào các “nguồn viện trợ” từ bên ngoài. Một thôn hay một xã, mỗi năm nhiều nhất cũng chỉ vài lần được thưởng thức chương trình ca múa nhạc, phim ảnh… do các đơn vị của tỉnh, huyện về biểu diễn phục vụ. Còn lại phụ thuộc vào chính quyền và người dân ở mỗi địa phương, trong việc chủ động sáng tạo, làm nên đời sống văn hóa tinh thần tươi vui, phong phú cho mình.
Nhận thức điều này, ngành VH-TT huyện An Lão đã chú trọng xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng, đủ sức phục vụ nhu cầu tại chỗ trong những năm qua. Tự đặt mục tiêu: mỗi xã, mỗi thôn có một đội văn nghệ, đồng thời nỗ lực gầy dựng, sau gần 2 năm, An Lão đã thu được nhiều kết quả. Ông Bùi Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện, cho biết: “Hiện cả 9 xã, thị trấn của huyện đều đã thành lập đội văn nghệ cấp xã, 46/57 thôn có đội văn nghệ cấp thôn. Mỗi đội văn nghệ quy tụ từ 10-20 hạt nhân, được đào tạo nghiệp vụ văn nghệ quần chúng cơ bản, được trang bị nhạc cụ, dụng cụ biểu diễn… Với năng khiếu và lòng nhiệt tình, thành viên các đội văn nghệ cùng nhau tạo nên những món ăn tinh thần cho địa phương mình một cách chủ động”.
Cũng với tinh thần này, mới đây “Câu lạc bộ thơ ca - văn hóa - văn nghệ Nhơn Lý” (thuộc quản lý của UBND xã Nhơn Lý) ra mắt, nhằm mục đích tạo thêm địa chỉ sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho người dân xã đảo. Nhơn Lý là địa phương có nội lực về văn hóa phong trào, với các đội, nhóm sở thích đang sinh hoạt như: múa lân, bả trạo, hát tuồng, bài chòi- đờn ca tài tử, thơ ca… “Mỗi người mỗi năng khiếu. Chúng tôi quy tụ lại, gắn chặt hơn để khích lệ phong trào phát triển. Dịch vụ văn hóa ở Nhơn Lý khá nghèo, bà con chủ yếu giải trí bằng phương tiện nghe nhìn, ít có điều kiện xem những chương trình văn nghệ biểu diễn “sống”. Từ thiệt thòi đó mà ý tưởng về một câu lạc bộ văn nghệ quần chúng của xã ra đời”, anh Trần Văn Vương, thành viên Câu lạc bộ cho biết. Lịch sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ được ấn định là vào ngày 16 âm lịch hằng tháng, thời điểm rơi vào mùa trăng, ngư dân ở xã đảo này nghỉ đi biển, ở nhà khá đông đủ để cùng vui văn nghệ.
SAO LY