Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013:
Vì mục tiêu không còn trẻ bị lây HIV từ mẹ
“Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” là chủ đề của tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 (diễn ra từ ngày 10.11 đến 10.12). Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con là hoạt động quan trọng để hướng đến mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở y tế cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, gồm: tư vấn xét nghiệm, tư vấn nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tư vấn lấy mẫu máu làm xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi…
100% số trẻ được dự phòng âm tính với HIV
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai ở tỉnh ta từ năm 2009. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện dự phòng cho 11 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Trong đó, có 1 trường hợp sinh non khi mới 6 tháng tuổi (thai lưu), 1 trường hợp sinh đôi và 1 trường hợp chưa sinh. Trong 10 trẻ được sinh ra, 9 trẻ được dự phòng có kết quả âm tính HIV với xét nghiệm PCR, trẻ còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
“Nếu được dự phòng, tỉ lệ trẻ bị lây HIV từ mẹ chỉ dưới 2%; ngược lại, tỉ lệ này lên đến trên 40%. 100% số trẻ được dự phòng có kết quả xét nghiệm âm tính là một thành quả thật sự rất đáng khích lệ”, bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Thu - Trưởng khoa Tư vấn, điều trị và can thiệp cộng đồng thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh - nhận định.
Theo bác sĩ Thu, để có được thành quả này, ngoài sự nỗ lực của những người làm công tác chuyên môn, sự hợp tác của gia đình và bản thân người mẹ có HIV cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khi người mẹ có HIV mang thai, quá trình dự phòng đến khi sinh con phải tuân thủ nhiều nguyên tắc nghiêm ngặt. Đặc biệt, sau khi “mẹ tròn con vuông”, trẻ phải được dùng sữa thay thế hoàn toàn, bởi sữa mẹ cũng là một nguồn lây HIV.
Quá trình chăm sóc trẻ của những bà mẹ “có H” cũng cực kỳ gian nan. “Dù đã được tư vấn kỹ càng về các hành vi nguy cơ và cách phòng tránh, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày vẫn nơm nớp lo sợ mình lây bệnh cho con”, một phụ nữ 26 tuổi bị HIV vừa sinh con hơn 1 tháng, chia sẻ. Hoàn cảnh của người mẹ này cũng thật đặc biệt, cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh, nhưng chẳng biết nguồn lây từ đâu. Sống cùng cha mẹ, nhưng cả 2 đều giấu bệnh, chỉ 2 người chăm sóc nhau và chăm chút cho “thiên thần nhỏ” của mình.
Vẫn còn khoảng trống
“Thật khó khăn khi mang trên người căn bệnh thế kỷ. Tôi không sợ chết, mà sợ những cái nhìn xa lánh, kỳ thị với những người “có H” và không “có H” như con trai tôi. Là người mẹ “có H”, tôi chỉ trông chờ ngày con lớn lên và hiểu nỗi khổ của mẹ. Hơn ai hết, chúng tôi rất cần sự quan tâm và mong mọi người đừng phân biệt đối xử. Bởi, khi biết mình “có H”, chúng tôi đã có đủ kiến thức để không làm lây lan ra cộng đồng”.
Lời tâm sự của một người mẹ nhiễm HIV
Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 13.550 phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm HIV, 8.363 người được xét nghiệm HIV tự nguyện. Qua xét nghiệm, có 3 trường hợp phát hiện dương tính với HIV và được đưa vào dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh là đầu mối quan trọng trong việc thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm đã thực hiện xét nghiệm HIV miễn phí cho khoảng 2.000 bà mẹ mang thai, phát hiện 1 ca dương tính. Tuy nhiên, theo cử nhân Châu Thị Ỷ Lan, phụ trách phòng khám thai của Trung tâm, đây vẫn là con số khiêm tốn so với lượng phụ nữ mang thai đến khám tại đây. “Lượng người khám đông, nhân lực lại ít, thiếu hình ảnh trực quan, nên đôi lúc hoạt động tư vấn chưa thỏa mãn các bà mẹ. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại khiến nhiều người “lắc đầu” khi được tư vấn xét nghiệm”, chị Lan cho biết.
Đây cũng là thực trạng chung của hoạt động xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được triển khai ở nhiều địa phương. Tại Hoài Nhơn, mỗi năm chỉ có khoảng 1.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, đạt tỉ lệ chưa đầy 25%. Bác sĩ Trần Quang Hải, chuyên trách công tác phòng chống HIV/AIDS của Đội Y tế Dự phòng huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, dù hoạt động tư vấn, xét nghiệm đã triển khai đến tận trạm y tế xã, nhưng số phụ nữ mang thai được tiếp cận vẫn chưa nhiều. Làm sao để quản lý hết số đối tượng còn lại vẫn là trăn trở của chúng tôi”.
Trong khi đó, sự kỳ thị của cộng đồng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. “Nhiều người “giãy nảy” khi nghe đến chuyện xét nghiệm HIV. Người đã mắc thì không chấp nhận lấy máu xét nghiệm cho con và nhận thuốc điều trị ngay tại nhà”, bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Thu kể.
NGUYỄN VĂN TRANG