Giao thừa & giai điệu tự hào
Xuân đã chớm, hương nồng của Tết cũng đã đượm. Dạ hội giao thừa mừng Xuân Canh Tý 2020 diễn ra tối 30 Tết (24.1) càng thêm ý nghĩa khi có thêm chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Hòa cùng niềm hân hoan, phấn khởi chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2020), đón Tết Nguyên đán, Sở VH&TT phối hợp cùng các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “90 năm với Đảng và mùa xuân”. Chương trình gồm 3 chương: Mãi mãi niềm tin theo Đảng, Hội xuân đất Võ, Chào xuân mới.
Chào xuân
Nhạc sĩ Đào Minh Tâm, tổng đạo diễn chương trình, cho biết: “Chương trình năm nay tập trung nhiều tiết mục ca ngợi Đảng và mùa xuân; đồng thời năm qua tỉnh ta có nhiều thành công trên mọi mặt, có nhiều niềm vui nên những tiết mục, hình ảnh cũng sẽ tập trung tạo khí thế cho năm Canh Tý”.
Sơ duyệt chương trình Dạ hội giao thừa mừng Xuân Canh Tý 2020 .
Mở đầu chương trình là tổ ca khúc hát múa: Lá cờ Đảng (tác giả Văn An), Đảng đã cho ta mùa xuân (Phạm Tuyên), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường), Mùa xuân dâng Đảng (Huy Thục), Sáng mãi một con đường (Vũ Việt Hùng) với sự trình bày của 140 ca sĩ, diễn viên hợp xướng, các cháu thiếu nhi cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.
Bình Định là vùng đất hội tụ của nhiều dân tộc anh em. Đối với đồng bào dân tộc Bana, Chăm và H’rê, cồng chiêng là một phần bản sắc văn hóa gắn bó với đời sống tâm linh. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến xuân về, cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa, các nghi thức và lễ hội truyền thống. Hòa cùng niềm vui 119 làng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cồng chiêng, Chương 3 tái hiện niềm vui ấy bằng tiết mục Mùa xuân vùng cao (tác giả Đào Minh Tâm). Ở chương này, khán giả sẽ được sống trong không gian cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc Bana, Chăm và H’rê.
Chương 3 là chương dựng lên không gian của mùa xuân mới, với các tiết mục như: Lắng nghe mùa xuân về (tác giả Dương Thụ), Gọi tên mùa xuân (Nguyễn Hoàng Duy), Quy Nhơn vào xuân (Huỳnh Hiệp An), Ngập tràn sắc xuân (Đào Minh Tâm)...
Vang lên giai điệu tự hào
Bình Định được mệnh danh là miền đất võ trời văn, là cái nôi của ba di sản văn hóa phi vật thể quý báu là võ cổ truyền, hát bội, bài chòi. Chương 2 với chủ đề Hội xuân đất Võ gồm những tiết mục tập trung tái hiện hào khí võ thuật, tinh thần thể thao, những giây phút thăng hoa, xúc động của các VĐV và hình ảnh hội vui bài chòi, hát tuồng khắp thôn làng những ngày xuân.
Cùng với võ cổ truyền, nghệ thuật Bài chòi và Hát bội Bình Định tiếp tục phát triển và lan tỏa sâu rộng, đạt được nhiều thành tích cao tại các cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia. Từ những giá trị mang nét đặc trưng và đậm đà bản sắc dân tộc này, các di sản văn hóa trên đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên cốt cách và tâm hồn con người Bình Định. Hai đơn vị Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định sẽ đem đến những tiết mục gần gũi, vui tươi và đầy âm vang tự hào. NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, cho biết: Ngay sau khi tổng duyệt xong vở Bình minh trên đỉnh Pa Rút, đầu tháng 1, anh em nghệ sĩ bắt tay ngay vào tập luyện để phục vụ bà con nhân dân dịp Tết Nguyên đán và xuân Canh Tý. Ở đêm giao thừa, Đoàn sẽ đem đến tiết mục Vó ngựa ngày xuân.
Đến với chương trình nghệ thuật đêm giao thừa, người dân không chỉ được thưởng thức những tiết mục đặc sắc mà còn tham quan khu trưng bày biểu tượng linh vật; cùng tham gia chương trình hoạt náo của TP Quy Nhơn; xem pháo hoa và hòa cùng du khách đón một năm mới yên vui.
THẢO KHUY