Thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Năm 2012, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có 428 trường hợp được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 10 tháng đầu năm 2013, đã tăng lên 450 trường hợp.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý đặc trưng thuộc đường hô hấp, làm tắc nghẽn đường thở và không hồi phục hoàn toàn. Bệnh thường gặp nhiều ở người lớn, nam giới có tỉ lệ mắc cao hơn nữ giới. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao nhất; 80-90% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Bụi, hóa chất nghề nghiệp, khói bếp, không khí ô nhiễm đều có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang làm tăng gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân, vì đây là bệnh mạn tính, nặng dần theo thời gian và chi phí điều trị ngày càng cao. Một người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong một năm và biểu hiện liên tiếp trong vòng 2 năm trở lên, mức độ khó thở ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. Đờm thường trong hoặc hơi đục, đôi khi có màu hơi vàng.
Để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người ta dùng phế dung ký. Phế dung ký giúp phân biệt các bệnh gây tắc nghẽn đường thở như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xơ phổi… Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh trường diễn, việc điều trị gặp không ít khó khăn. Thuốc Anticholinnergic dạng bơm đem lại hiệu quả khá cao, nhưng khi bệnh tiến triển xấu cần kết hợp với các thuốc chủ vận bêta hoặc một số thuốc khác.
Khi có dấu hiệu ho, khạc đờm và khó thở khi làm việc nặng, nên đến cơ sở y tế để đo chức năng hô hấp. Khi phát hiện bệnh, cần dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, cần tái khám định kỳ hằng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh. Bỏ hút thuốc lá là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu bạn có sử dụng. Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng, tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp. Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Nếu bạn bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần. Cần đến viện cấp cứu ngay nếu bạn có các dấu hiệu nguy hiểm: nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều; thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng.
BS ĐỖ PHÚC THANH
(Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh)