Ðại hội lần thứ II của Ðảng
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, đã phải đối mặt với những thử thách hiểm nghèo, thù trong, giặc ngoài và hậu quả chính sách của phát-xít Nhật làm hai triệu đồng bào bị chết đói. Ở miền nam, đêm 22, rạng ngày 23.9.1945, quân Pháp trong trang phục quân Anh, bất ngờ tập kích các công sở của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn. Chỉ được hưởng nền độc lập, tự do 21 ngày kể từ ngày 2.9.1945, đồng bào, đồng chí Sài Gòn - Gia Ðịnh cùng đồng bào Nam Bộ tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước. Hàng vạn thanh niên miền bắc hưởng ứng phong trào tòng quân giết giặc, chi viện sức người, sức của cho miền nam - Thành đồng Tổ quốc.
Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11 đến 19.2.1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh tư liệu
Ở miền bắc, thực hiện âm mưu của đế quốc Mỹ, 200 nghìn quân Tưởng tràn vào lãnh thổ, bọn tay sai phản động nhân cơ hội này dựng nên những đảng phái phản động Việt quốc, Việt cách...
Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương, chính sách cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946 để đuổi quân Tưởng ra khỏi đất nước. Ðảng và Bác Hồ lãnh đạo củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội khóa I, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp năm 1946. Cách mạng nước ta dần thoát khỏi thế hiểm nghèo, chuyển sang củng cố thực lực vững chắc, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược ở quy mô lớn. Dã tâm cướp nước ta một lần nữa, trong các ngày 18 và 19.12.1946, chỉ huy Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước vũ khí của lực lượng tự vệ, đòi quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội. Thường vụ T.Ư Ðảng họp mở rộng từ ngày 18 đến 19.12.1946 tại làng Vạn Phúc, Hà Ðông nêu quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Ngày 12.12.1946, Ban Thường vụ T.Ư Ðảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, vạch rõ những nét cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài của nhân dân ta. Ðường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng đã nhanh chóng tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân. Chiến thắng Việt Bắc - thu-đông 1947 làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến được đẩy tới cao trào trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao. Chính quyền nhân dân tiếp tục được củng cố.
Sau chiến thắng vang dội của Chiến dịch Biên giới (thu đông 1950), toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta chào đón sự kiện lịch sử quan trọng: Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng. Từ ngày 11 đến 19.2.1951, Ðại hội họp tại huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, với sự tham dự của 158 đại biểu. Ðại hội đã tổng kết quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và hoàn thiện đường lối cách mạng dân chủ nhân dân. Ðại hội bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ðảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II, các Hội nghị T.Ư tiếp theo đã quyết định nhiều vấn đề cụ thể để thúc đẩy cuộc kháng chiến. Với các chiến thắng ở Tây Bắc, Thượng Lào, đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu V, Nam Bộ, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, thế chủ động trên chiến trường của ta được giữ vững. Các mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao tiếp tục phát triển và giành nhiều thắng lợi quan trọng. Tháng 9-1953, Bộ Chính trị T.Ư Ðảng quyết định thông qua kế hoạch tác chiến đông xuân 1953 - 1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn lãnh thổ Ðông Dương nhằm phá tan kế hoạch Na-va của địch. Nắm vững quyền chủ động chiến lược, Bộ Chính trị T.Ư Ðảng quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Qua 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, ngày 7.5.1954, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Chiến thắng vĩ đại Ðiện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Ðông Dương, chấm dứt chiến tranh, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên…
(Biên soạn từ: Văn kiện Ðảng toàn tập; Lịch sử biên niên Ðảng Cộng sản Việt Nam).
Theo báo Nhân Dân