Tuy Phước ổn định dân sinh và sản xuất sau lũ lụt
Là huyện thuộc vùng rốn lũ, Tuy Phước thiệt hại nặng nề sau cơn lũ lịch sử vừa qua. Với mục tiêu ổn định dân sinh, đảm bảo sản xuất khi lịch thời vụ đã cận kề, huyện đã huy động mọi khả năng khắc phục hậu quả lũ lụt.
Lực lượng bộ đội Trường Quân sự Quân đoàn 3 giúp nhân dân thôn Tri Thiện và Định Thiện Đông, xã Phước Quang hàn khẩu đê vỡ và khắc phục sa bồi thủy phá. Ảnh: TẤN HÙNG
Ông Phạm Tích Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền địa phương là khắc phục dân sinh, ổn định đời sống người dân gặp khó khăn do lũ gây ra là ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này; đã huy động mọi khả năng của mình để triển khai các hoạt động cứu trợ. Huyện đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 5 triệu đồng cho các hộ có người chết trong lũ; thành lập 3 đoàn kiểm tra, lập thủ tục hỗ trợ các hộ có nhà bị sập xây dựng lại nhà.
Ngay từ ngày 16.11, khi nước lũ chưa rút hết, các đoàn cứu trợ đã đến Tuy Phước. Đến thời điểm hiện nay, rất nhiều đoàn cứu trợ, tổ chức và cá nhân từ thiện, nhà hảo tâm, như: Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, các báo: Người Lao Động, Tiền Phong, Lao Động, Tuổi Trẻ TPHCM, Báo Bình Định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, DNTN Nam Ngân, Co.opMart Quy Nhơn, Chùa Tâm Ấn (Quy Nhơn), … đã đến chia sẻ mất mát, động viên, tặng quà hỗ trợ với tổng trị giá hơn 3,1 tỉ đồng giúp người dân vượt qua hoạn nạn, không bị đói khát, dần ổn định cuộc sống.
Với tinh thần nước rút đến đâu, xử lý dịch bệnh, môi trường đến đó, các trạm y tế đã phân phối thuốc (Cloramin B) và hướng dẫn người dân xử lý vệ sinh nước uống; đến nay, toàn bộ giếng nước bị ô nhiễm đã được xử lý. Khám chữa bệnh cho người dân sau lũ cũng được quan tâm hàng đầu. Ông Dương Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước, cho biết: Đến nay, được sự hỗ trợ của Quân Y viện 13, Trung tâm Y tế huyện cử bác sĩ về cùng với các Trạm Y tế xã, thị trấn tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 240 người dân ở Cồn Chim (xã Phước Sơn) và thôn Luật Lễ (thị trấn Diêu Trì). Các xã, thị trấn đã tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 1.800 người.
Theo thống kê mới nhất của huyện Tuy Phước, ước tính tổng thiệt hại trên địa bàn Tuy Phước đến thời điểm hiện này là hơn 137 tỉ đồng. Toàn huyện có 4 người chết, 223 nhà sập hoàn toàn, 1 phòng học mẫu giáo bị cuốn trôi, bàn ghế học sinh hư hỏng 1.390 bộ. Trong tổng thiệt hại, nặng nhất thuộc về lĩnh vực nông nghiệp và thủy lợi, giá trị hơn 83 tỉ đồng với khoảng 400 tấn giống hư hỏng, 179,6 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá, 281 ha hoa màu bị ngập hư, 1.631m đê sông bị vỡ đứt, 24,7 km đê sông bị xâm thực, kênh mương bị cuốn trôi hoàn toàn 307m, sạt lở hư hỏng 97,7 km…
Trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, ông Nguyễn Bay - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Nỗ lực hiện nay của huyện là khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo cho vụ Đông Xuân đã cận kề. Với tinh thần đến trước ngày 20.12 có thể triển khai sản xuất, huyện chỉ đạo các địa phương huy động mọi lực lượng cùng với lực lượng hỗ trợ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện (15 người), bộ đội thuộc Sư đoàn 31 và các lữ đoàn 573, 572, Công an tỉnh và thanh niên, dân quân địa phương cùng với nhân dân hàn khẩu các đoạn đê sông bị cuốn trôi hoàn toàn nhằm tránh lũ ứ, nước dâng, làm hỏng giống gieo sạ. Đối với ruộng bị sa bồi, thủy phá, các địa phương huy động sức dân tại chỗ để khắc phục. Riêng diện ruộng bị sa bồi, thủy phá nặng, cần có lực lượng cơ giới khắc phục, các địa phương một mặt triển khai khắc phục, mặt khác thống kê khối lượng để có sự hỗ trợ kinh phí từ tỉnh”.
Đáng lưu ý hiện nay là toàn huyện thiếu khoảng 400 tấn giống trong tổng số 1.100 tấn giống cần cho vụ sản xuất Đông Xuân này. Đáng mừng là tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho huyện 390 tấn giống và hiện nay huyện đang chỉ đạo Trạm Khuyến nông hợp đồng với các đơn vị cung cấp giống để mua và cung cấp kịp thời cho nông dân gieo sạ, ông Bay cho biết thêm.
NGÔ HỒNG SƠN