Lập đội đáp ứng nhanh ứng phó bệnh dịch do vi rút Corona
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch viêm phổi cấp do vi rút chủng Corona mới, ngay hôm nay (30 Tết), Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc ngành huy động nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế sẵn sàng ứng phó. Công tác phát hiện sớm, chuẩn bị tốt phòng, chống bệnh dịch được đặc biệt chú trọng trong thời điểm Tết Nguyên đán.
Phân loại bệnh ngay từ bộ phận khám bệnh
Tình hình bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) tại Vũ Hán (Trung Quốc) diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng. Tổ chức Y tế thế giới nhận định, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Tối 23.1 (tức 29 tháng Chạp), Bộ Y tế cũng xác nhận 2 ca bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona chủng mới, là 2 cha con người Trung Quốc đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Trước diễn biến này, ngay trưa 30 Tết, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn về phòng chống dịch nCoV.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch viêm phổi cấp do nCoV, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng đã yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương triển khai tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh.
“Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cấp cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời”, ông Hùng cho hay.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đề nghị sở y tế 39 tỉnh, thành phố (trong đó có Bình Định) phối hợp thực hiện: Khi chuyển tuyến ca bệnh nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định viêm phổi cấp do nCoV phải thông báo trước cho bệnh viện về số lượng, thông tin tóm tắt tình trạng bệnh, phương tiện vận chuyển người bệnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Y tế nhấn mạnh yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường quy… Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền. Rà soát lại các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh.
Tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ quy định thu dung, cách ly, điều trị ca bệnh lây qua đường hô hấp theo Quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16.1.2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới.
Lập các đội đáp ứng nhanh
Cùng với công tác thu dung, điều trị, người đứng đầu ngành Y tế tỉnh còn nhấn mạnh yêu cầu tất cả đơn vị trực thuộc thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới; thiết lập “đường dây điện thoại nóng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona” tiếp nhận thông tin và sẵn sàng tiếp nhận ứng cứu. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác điều trị và công tác dự phòng, nghiêm túc thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định.
Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền, phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh…
Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, Trung tâm đã thành lập 2 đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh và các sự kiện y tế công cộng trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi kích hoạt hệ thống giám sát bệnh nhân viêm phổi nặng tại cộng đồng, các bệnh viện, sân bay (các chuyến bay quốc tế đến Bình Định). Chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng hỗ trợ, triển khai chống dịch kịp thời”, ông Lân nhấn mạnh.
Trong khi đó, với vai trò của bệnh viện tuyến cuối trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân trên địa bàn tỉnh, BVĐK tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, cùng 2 Đội cấp cứu hỗ trợ, tiếp nhận và điều trị người bệnh viêm phổi cấp do nCoV. Các thành viên của Ban chỉ đạo được chia thành 3 tiểu ban trực: Điều trị, phòng chống lây nhiễm; Hậu cần; Thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo và giám sát việc tổ chức tiếp nhận, điều trị và phòng chống lây nhiễm khi có người bệnh vào điều trị; điều động nhân lực, trang thiết bị trong bệnh viện phục vụ công tác điều trị khi có dịch xảy ra. Các tiểu ban xây dựng phương án cụ thể việc tiếp nhận, điều trị người bệnh viêm phổi cấp tại bệnh viện; chỉ đạo việc chuẩn bị cơ sở, khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Bộ Y tế ban hành; chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, thuốc, hóa chất, vật tư trang thiết bị, 20 bộ phương tiện phòng hộ, phương tiện cấp cứu người bệnh phục vụ công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm bệnh.
“Mỗi Đội cấp cứu hỗ trợ, tiếp nhận có 4 thành viên, do bác sĩ Phạm Châu Duy - Trưởng khoa Truyền nhiễm và bác sĩ Phạm Văn Dũng - Trưởng khoa Nhi, phụ trách. Khi nhận được lệnh điều động, 2 đội khẩn trương làm nhiệm vụ với đầy đủ phương tiện, dụng cụ y tế, thuốc cấp cứu; tập trung sơ cứu, cấp cứu xử trí kịp thời bệnh nhân”, bác sĩ Mỹ nhấn mạnh.
Hiện nay, công tác truyền thông trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân, các biện pháp phát hiện, phòng lây nhiễm để người bệnh tự giác khai báo tiền sử đi lại tại các nước liên quan đến dịch bệnh cũng được đặc biệt chú trọng. Bác sĩ Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn cho biết, để chủ động khống chế dịch bệnh, trung tâm yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuẩn bị nhân lực, khu vực khám, cấp cứu, cách ly điều trị, trang thiết bị vật tư y tế, các phương tiện, thuốc, dịch truyền để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người bệnh; thu dung, khám sàng lọc, phân luồng, phân loại cúm để các cách ly trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh ngay tại khoa khám bệnh. Đẩy mạnh truyền thông các biện pháp phòng chống bệnh cúm như giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, đeo khẩu trang y tế…
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp chủ động phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt 5 biện pháp:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.
THU HIỀN