Tết về nhà
Biểu tượng linh vật Canh Tý khai trương vào chiều 22.1 (28 tháng Chạp) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) là một đại gia đình chuột đang đánh bài chòi. Đại gia đình chuột có tổng cộng 12 thành viên, gồm chuột bố, chuột mẹ và 10 chuột con được tạo hình duyên dáng, trang phục ấn tượng, thể hiện đa dạng động tác với nhiều sắc thái biểu cảm ngộ nghĩnh, đáng yêu, đã tạo được nhiều cảm tình với người dân và du khách.
Quang cảnh tổng thể của cụm biểu tượng linh vật Canh Tý tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Ảnh: Phan Tuấn.
Họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đức Nhân (TP Quy Nhơn) - tác giả của biểu tượng linh vật - chia sẻ rằng, anh quyết định chọn chủ đề của biểu tượng linh vật năm nay là “Tết về nhà” như lời nhắn nhủ tất cả người Bình Định hãy về quê sum vầy bên gia đình, người thân dịp Tết đến Xuân về và hãy góp sức mình chung tay xây dựng quê hương Bình Định ngày càng phát triển, giàu đẹp.
* Đâu là lý do để anh chọn chủ đề “Tết về nhà” cho biểu tượng linh vật năm nay, thưa anh?
Năm nay là năm Canh Tý - tức năm con chuột - một con vật tuy nhỏ bé nhưng đứng đầu 12 con giáp. Dù không nhận được thiện cảm từ con người nhưng bao đời nay, chuột vẫn hiện diện và luôn song hành với đời sống con người. Có đặc điểm tự nhiên là sinh sôi nảy nở nhanh và nhiều, chuột theo quan niệm của một vài vùng, miền trong nước là biểu tượng cho sự sinh sôi, sung túc và nơi nào có nhiều chuột nơi ấy sẽ phồn thịnh.
Nhiều người dân và du khách cho biết họ rất thích tham quan và chụp ảnh với những chiếc mặt nạ tuồng đặc trưng của hát bội Bình Định.
Với ý nghĩa đó, tôi nghĩ đến Tết sum vầy hay Tết đoàn viên, đặc biệt với những gia đình có nhiều người xa quê lập nghiệp, hãy trở về nhà gặp gỡ, sẻ chia, sum họp, quây quần đầm ấm bên gia đình, người thân rồi đoàn kết, hỗ trợ, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng phát triển, vươn lên.
Kayla Trang (phải) chụp hình cùng người em họ tại cụm biểu tượng linh vật.
* Được biết anh từng dự định tạo hình biểu tượng một đám cưới chuột nhưng sao lại thay đổi thành đại gia đình chuột đi hội đánh bài chòi?
Tết Nguyên đán năm nay, ngoài biểu tượng linh vật Canh Tý của tỉnh tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên cùng ê kíp còn thực hiện một biểu tượng linh vật cho UBND huyện Hoài Nhơn với chủ đề “Gia đình chuột đi hội xuân”, đặt tại Quảng trường huyện Hoài Nhơn. Biểu tượng cũng đã tạo được nhiều cảm tình đối với người dân trong và ngoài huyện du xuân đến đây.
Đúng là lúc đầu tôi định làm một đám cưới chuột nhưng sau lại nhận ra nếu tạo hình đám cưới thì sẽ khó thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của Bình Định. Trong khi đó, nếu đặt đại gia đình chuột trong quang cảnh diễn xướng của một hội đánh bài chòi dân gian sẽ toát lên được đặc trưng văn hóa quê hương, xứ sở. Trong không gian đó, chuột bố, chuột mẹ hóa thân thành anh hiệu, chị hiệu, tay ôm ống thẻ bài chòi, tay giơ chiếc thẻ bài lên cao. Những cử chỉ ấy rất gần gũi, thân thuộc và đặc sệt “chất Nẫu”. Các chú chuột con đa dạng sắc thái biểu cảm, sắc màu trang phục, hài hòa trong tổng thể, tạo không khí tươi vui, tưng bừng, rực rỡ.
* Anh và ê kíp có hài lòng với biểu tượng linh vật năm nay không?
Những ngày qua, theo kết quả thăm dò dư luận, có một vài ý kiến cho rằng mặt chuột bố và chuột mẹ nhìn có phảng phất nét của một chú heo. Đây là điều tôi và ê kíp từng lường tới. Dù vậy, chuột là loại động vật bị không ít người căm ghét, vì vậy trong tạo hình chúng tôi hướng tới việc tạo ra những chú chuột vừa giống vật thật để tạo sự gần gũi lại vừa dễ thương, đáng yêu để mọi người đều cảm tình.
Trưa 30 Tết, trời nắng khá gắt nhưng cụm biểu tượng luôn có đông người đến chụp hình.
Đặc biệt, những chú chuột của linh vật không được giống với bất kỳ tạo hình chuột nào từ trước đến nay. Chính vì vậy, việc tạo hình chuột thật sự là thách thức lớn với chúng tôi. Phương án tôi và ê kíp lựa chọn là kết hợp yếu tố hoạt hình với những đường nét đặc trưng cơ thể của loài chuột. Về cơ bản, chúng tôi khá hài lòng với thành quả của mình và mong muốn lắng nghe nhiều đóng góp ý kiến của người dân và du khách để tiếp tục hoàn thiện mình.
Biểu tượng linh vật Gia đình chuột đi hội xuân tại Quảng trường huyện Hoài Nhơn đã tạo nhiều cảm tình với người dân trong và ngoài huyện.
* Khá đông người dân và du khách nhận xét, so với những năm trước, cụm biểu tượng linh vật năm nay sinh động và có nhiều góc chụp hình đẹp hơn. Có thể hiểu điều này đồng nghĩa với việc anh và ê kíp đã xử lý không gian tốt hơn trước…
Xin khẳng định lại là không gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành ở TP Quy Nhơn rất đẹp nhưng cũng tạo không ít áp lực với những nghệ sĩ làm công tác sắp đặt như chúng tôi khi phải quán xuyến hài hòa một không gian rộng lớn, bốn bề lộng gió như vậy. So với năm ngoái, tôi đã khá thoải mái và hài lòng với những cụm phụ bổ trợ cho cụm linh vật chính nhờ thong thả hơn về thời gian và có được một số điều kiện cần thiết. Các cụm phụ được tôi và ê kíp suy tính, lựa chọn kỹ lưỡng với mong muốn làm đậm đà ý nghĩa của chủ đề chính và cũng qua đó giới thiệu tới du khách, cũng là "neo thương nhớ" trong lòng những người con xa quê lập nghiệp với những đặc sản, đặc trưng của vùng đất Võ trời Văn. Đó là những chiếc mặt nạ tuồng, những chú cá ngừ đại dương, hình ảnh TP Quy Nhơn ngày càng văn minh, hiện đại, hình ảnh con thuyền lướt sóng ra biển lớn; bên cạnh đó còn có nhiều tranh ảnh về đất nước, con người Bình Định do Hội VHNT tỉnh trưng bày tại đây.
Nhóm bạn trẻ quê Phù Mỹ và Phù Cát đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh xem tấm ảnh Lễ hội cầu ngư của xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn).
Tôi và ê kíp hy vọng, người dân và du khách sẽ có thêm một địa điểm để đến tham quan, thưởng lãm, chụp hình, hưởng thụ thời gian vui vẻ bên gia đình, người thân yêu của mình. Tôi và ê kíp kính chúc tất cả người dân Bình Định và du khách gần xa đón một cái tết ấm áp, sum vầy, một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Giống như chủ đề biểu tượng linh vật là “Tết về nhà”, mong mọi người chung tay xây dựng quê hương Bình Định ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Trưa 30 Tết, trời nắng khá gắt nhưng những từng đoàn người không ngớt đổ về Quảng trường Nguyễn Tất Thành để chụp hình tại cụm biểu tượng linh vật Canh Tý. Một số người Bình Định xa quê tâm sự, họ không chỉ tìm thấy sự vui tươi, sống động thông qua những tạo hình chuột dễ thương mà còn như được sống trong không gian văn hóa đậm chất quê hương với tuồng, bài chòi và biết thêm về sự phát triển của tỉnh, thành phố quê nhà qua những hình ảnh trưng bày. Nhóm bạn trẻ quê huyện Phù Cát và Phù Mỹ đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh đã rủ nhau đi xe buýt đến Quảng trường, dừng lại trước tấm ảnh chụp lễ hội cầu ngư ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) và cùng bàn tán, chia sẻ hiểu biết của mình về lễ hội cầu ngư. “Năm ngoái tụi em không có dịp đến đây nên năm nay nhất định phải tới tham quan, chụp hình, rồi khi vào lại TP Hồ Chí Minh kể lại cũng như giới thiệu với bạn bè khác quê ở chỗ làm về nét đẹp, nét văn hóa quê mình”, nhóm bạn trẻ tâm sự.
Trong khi đó, cô bé Kayla Trang (6 tuổi) cùng mẹ từ Mỹ trở về thăm ông bà, cứ xúng xa xúng xính trong chiếc áo dài đỏ hơn 2 tiếng đồng hồ mà không chịu ngồi nghỉ. Kayla Trang trò chuyện: “Dì may chiếc áo đẹp này cho con nên con thích mặc chụp hình. Ở đây chỗ nào con cũng thích chụp nhưng thích nhất là chiếc thuyền, thứ hai là những chú chuột ngộ nghĩnh, đáng yêu. Con sẽ đem hình về Mỹ khoe với các bạn của mình”.
* Xin cảm ơn anh!
NGỌC TÚ