Tết… Tết… Tết… Tết đến rồi!
Trong niềm hân hoan đón chào năm mới, giữa không khí mát mẻ, sắc xuân chan hòa, nhà nhà, người người cùng nhau xuống phố, hòa mình vào hương sắc mùa xuân.
● TP Quy Nhơn
Chợ hoa xuân Quy Nhơn (đường Nguyễn Tất Thành) và khu trưng bày linh vật Xuân Canh Tý 2020 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vẫn là điểm đến chính của người dân thanh phố. Khu vực này luôn náo nhiệt, đông vui bởi dòng người đổ về đây du xuân, ngắm hoa, mua hoa, chụp ảnh lưu niệm...
Rất đông người dân đổ về chợ hoa xuân để mua hoa khi các chủ vườn “xả hàng”.
Từ 29 đến chiều 30 Tết, nhiều chủ hàng hoa, cây cảnh đã giảm giá để bán được hàng nhanh hơn. Tại vườn cúc của anh Nguyễn Văn Tâm, rất đông người ghé vào mua hoa khi chủ vườn thông báo giảm giá bán cúc pha lê, cúc đại đóa, còn 350 - 700 nghìn đồng/chậu (giảm từ 150 - 500 nghìn đồng/chậu). “Tôi lấy hoa từ xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước và chở xuống đây hơn 300 chậu cúc các loại, chậu thấp nhất bán giá 500 nghìn đồng, chậu có giá cao nhất cũng 1,2 triệu đồng. Năm nay, hoa, cây, lá cảnh rất nhiều lại đa dạng về chủng loại, nhưng sức mua chậm. Tôi chuyển hoa xuống bán từ chiều 22 tháng Chạp, nhưng mấy bữa nay chỉ bán được gần 200 chậu, giờ tôi “xả hàng” để bán cho nhanh hết rồi dọn dẹp để còn về kịp đón giao thừa!”, anh Tâm bộc bạch.
Nô nức xuống phố du xuân.
Cách đó không xa, vườn mai của anh Nguyễn Thế Kiệt cũng thông báo giảm giá bán 50 chậu mai loại nhỏ còn tầm 1 - 1,2 triệu đồng/chậu. Anh Kiệt cho hay: “Lâu nay tôi chỉ trồng mai bonsai để chơi. Năm nay quyết định chở ra chợ hoa 40 cây mai bonsai và 50 cây mai nhỏ để bán với giá thấp nhất 1 triệu đồng/chậu, cao nhất 100 triệu đồng/chậu. Đến nay, chỉ bán được vài chậu mai bonsai giá tầm trung 5 - 7 triệu đồng/chậu, giờ tôi khuyến mãi bán cho hết số mai nhỏ, số mai bonsai còn lại sẽ chở về”.
Nhiều du khách nước ngoài dạo chợ hoa xuân Quy Nhơn, thích thú hòa mình vào không khí tết Việt.
Quanh chợ hoa xuân và tại các cửa hàng bán vật phẩm trang trí tết trên đường Lý Thường Kiệt, sác đỏ vàng tràn ngập với các câu đối, liễn mang ý nghĩa tài lộc, may mắn trong năm mới, cùng nhiều loại lồng đèn, đồng tiền xi vàng… có giá từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/món, cũng thu hút rất đông người xem và mua. Đang chọn mua các vật phẩm trang trí tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt, ông Nguyễn Thanh Minh, ở phường Nhơn Phú, tươi cười cho biết: “Năm nào tôi cũng mua mấy món này về treo vào các chậu mai, cúc cho thêm phần rực rỡ khi Tết đến”.
Phố Văn hóa - nghệ thuật Quy Nhơn về đêm.
Xuân đang về. Các tuyến đường ở Quy Nhơn được trang hoàng rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, pa-nô, đèn led với nội dung Mừng Đảng, Mừng Xuân. Đường phố sáng, xanh, sạch đẹp, đông vui, náo nhiệt, như khoác lên mình “chiếc áo” mới, rộn ràng hẳn lên.
Càng về chiều tối, đường phố càng tấp nập. Người du xuân, dường như ai nấy đều rạng rỡ môi cười.
NGỌC NHUẬN
● Hoài Nhơn
Sắc xuân cũng đang tràn ngập khắp mọi nẻo đường ở huyện Hoài Nhơn.
Ngày 30 Tết, các con đường từ thị trấn cho đến nông thôn trên địa bàn huyện đều được trang hoàng rực rỡ với cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu đón chào năm mới. Đặc biệt, thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xây dựng huyện Hoài Nhơn xanh, sạch, đẹp”, nhiều tuyến đường hoa được nhân dân xây dựng càng làm cho không khí chào đón năm mới thêm rộn rã, tươi vui hơn.
Chở hoa về chuẩn bị đón Tết
Dịp Tết này, huyện Hoài Nhơn đã lắp đặt 450 tấm pa-nô khổ nhỏ dọc QL1 từ xã Hoài Đức đến xã Hoài Châu Bắc, làm mới 4 cụm pa-nô lớn 2 mặt tại các xã Hoài Đức, Hoài Thanh Tây, Hoài Tân và Hoài Châu Bắc, cùng các khẩu hiệu tại khu vực cơ quan Huyện ủy và UBND huyện…
Tại chợ Tam Quan và Bồng Sơn, Hoài Hương, chợ Bộng (xã Hoài Tân), không khí mua bán ngày cuối năm tất bật và hối hả hơn, lượng người đổ về mua sắm đông làm kẹt xe trên các tuyến đường. Chợ Tam Quan hàng ngày chỉ khoảng trên 420 hộ kinh doanh mua bán cố định, trên 100 hộ kinh doanh không cố định, nhưng dịp Tết này tổng cộng có đến trên 800 hộ kinh doanh.
Người dân Hoài Nhơn vui hội cổ nhơn truyền thống
Nhộn nhịp, rộn ràng nhất vẫn là không khí tại hội chợ hoa xuân. Thời tiết năm nay thuận lợi nên hoa nở đúng dịp tết, lượng hoa bày bán rất nhiều, chủ yếu là các loại hoa được người dân địa phương ưa chuộng như: Mai, cúc, vạn thọ, quất cảnh… Người bán cũng muốn bán nhanh, người mua cũng cố gắng chọn thêm chậu cúc, mai… trang trí cho nhà thêm đẹp, khang trang. Không khí vì thế cũng sôi nổi, náo nhiệt hơn hẳn.
Điểm nổi bật, năm nay huyện Hoài Nhơn đã đầu tư xây dựng Quảng trường huyện, trưng bày tại đây cụm biểu tượng linh vật năm Canh Tý là gia đình nhà chuột gồm chuột bố, chuột mẹ và 5 chuột con trông rất thân thiện, dễ thương. Cùng với gia đình nhà chuột, cụm linh vật còn được trang trí nổi bật với thuyền hoa, suối dừa, cá ngừ đại dương vượt sóng, là những nét đặc trưng của Hoài Nhơn. Việc xây dựng cụm biểu tượng linh vật Tết Canh Tý 2020 trong những ngày xuân này sẽ góp phần tạo điểm nhấn để du khách đến với Hoài Nhơn sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa - du lịch độc đáo, mới lạ.
Đặc biệt, huyện Hoài Nhơn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mừng Đảng - mừng Xuân Canh Tý năm 2020 như: Phòng đọc báo xuân, hội đánh bài chòi cổ dân gian từ tối 26.1 đến tối ngày 29.1 (mùng 2 đến mùng 5 Tết); trò chơi dân gian cổ nhơn truyền thống từ 23 đến 29.1 (29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết); điểm vui Xuân tại Sân vận động Bồng Sơn từ 24.1 đến 3.2 (30 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng); biểu diễn nghệ thuật Tuồng của Đoàn nghệ thuật Tuồng ở Hoài Nhơn tại Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (2 đêm 8 và 9.2 (15 và 16 tháng Giêng); văn nghệ kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đồi 10 vào tối 28.1 (mùng 4 Tết), giải việt dã vượt Đồi 10 (mùng 5 Tết); giải bida mừng Đảng, mừng Xuân; lễ phát động thi đua Tết trồng cây xuân Canh Tý 2020 và công bố quyết định của UBND tỉnh đón nhận bằng xếp hạng di tích Địa đạo Gò Quánh xã Hoài Thanh vào ngày 1.2 (mùng 8 tháng Giêng); giải đua thuyền tại Trạm kiểm soát biên phòng vào ngày 13.2…
Thái Ngân
● Phù Cát
Tại chợ Phù Cát, các chợ ở địa phương và các cửa hàng tạp hóa, không khí mua bán tấp nập hơn hẳn thường ngày và giá cả cũng tăng hơn, nhất là vào chiều 30 Tết. Các loại hàng hóa được bày bán nhiều và có sức mua lớn là thịt, hoa quả, bán kẹo, bia, nước giải khát, quần áo, giày dép...
Nhiều loại hoa lan được bày bán
Nơi thu hút nhiều người nhất là khu vực bán hoa tại khu sinh hoạt văn hóa huyện. Dòng người đổ về đây mỗi lúc một đông, người mua hoa, cây cảnh về chưng trong nhà, người du xuân, ngắm hoa, chụp ảnh...
Phục vụ nhu cầu vui xuân của người dân địa phương, huyện Phù Cát tổ chức nhiều hoạt động: Tối 25.1 (mùng 1 Tết) Trung tâm VH-TT&TT huyện tổ chức chương trình ca nhạc tổng hợp mừng Đảng, mừng xuân Canh Tý; 3 đêm từ 26 đến 28.1 (mùng 2 đến mùng 4 Tết) tổ chức hội chơi bài chòi cổ dân gian; ngày 29 đến 30.1 (mùng 5 - 6 Tết) tổ chức giải bóng chuyền mở rộng tại nhà tập thể thao đa năng huyện; từ ngày 30.1 đến ngày 1.2 (mùng 6 đến mùng 8 Tết), trung tâm VH- TT&TT huyện phối hợp với đoàn ca kịch bài chòi tỉnh Bình Định tổ chức biểu diễn.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, huyện Phù Cát tổ chức trưng bày báo xuân, triển lãm ảnh tại Thư viện huyện Phù Cát và mở cửa bảo tàng để phục vụ khách tham quan từ ngày 25 đến 31.1 (mùng 1 đến mùng 7 Tết)
TRƯỜNG GIANG
● An Lão
An Lão hiện có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là: người Kinh, Banar và H’re. Những ngày cuối năm, trước thời khắc giao thừa, người dân từ vùng cao, như An Toàn, An Vinh đến các xã đồng bằng đều náo nức, tất bật mua sắm các vật dụng cần thiết và hoa, cây cảnh để trang trí nhà cửa đón Tết.
Người dân gói bánh đón Tết
Trước đây người H’re không ăn Tết cùng ngày với cộng đồng dân tộc Kinh. Mỗi làng ăn Tết một thời gian khác nhau. Sau giai đoạn đổi mới, người H’re đã thay đổi tập tục ăn Tết riêng lẻ, vui xuân, đón tết cùng thời điểm với tết cổ truyền của người Kinh. Trước đêm giao thừa, sau lễ cúng “Vô lá”, những gia đình người H’re ở An Lão sẽ tổ chức cúng Heo lễ (Tùy theo điều kiện từng gia đình mà sẽ cúng heo lớn hay hay nhỏ) để báo tổ tiên ông bà biết năm cũ đã qua, năm mới đến, mong ông bà phù hộ cho con cháu sức khỏe, gia đình ấm no hạnh phúc và cầu mong những điều tốt đẹp nhất; mời tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết và cầu mong một năm mới tốt lành.
Người dân mua hoa để chưng trong những ngày Tết
Hữu Bá
● TX An Nhơn
Chiều 30 Tết, trên địa bàn TX An Nhơn, không khí đón Tết Canh Tý 2020 khá tưng bừng nhộn nhịp.
Tối 30 Tết, người dân mới đổ xô đi mua hoa về chưng Tết.
Các con đường từ trung tâm thị xã đến các khu phố, thôn, xóm như khoác trên mình chiếc áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của cờ hoa, băng rôn, cổng chào. Các tuyến đường chính ở các phường: Đập Đá, Bình Định, Nhơn Hòa, Nhơn Thành, Nhơn Hưng nổi bật hẳn lên bởi được trang trí khá đẹp để đón Tết. Dọc theo các tuyến đường chính của các phường này đều rực màu cờ đỏ và những chậu hoa cúc vàng được người dân mua về trang trí. Tại các địa phương trên địa bàn thị xã, người dân nô nức kéo nhau đi chợ hoa, mua sắm Tết. Tuyến đường Ngô Gia Tự và Quang Trung dẫn vào chợ Bình Định (phường Bình Định) chật kín bởi lượng người đi mua sắm vào chiều 30 Tết.
Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trong các ngày Tết
Để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân trong dịp Tết Canh Tý, Phòng VH-TT TX An Nhơn và các địa phương trên địa bàn thị xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, diễn ra từ ngày 24.1 đến 29.1 (30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), như: Chương trình văn nghệ Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý; Hội xổ Cổ nhơn; hát bội; Hội đánh Bài chòi dân gian; Hội đánh Cờ người; các giải thi đấu cờ tướng, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền; múa lân, biểu diễn võ thuật; các trò chơi dân gian; tổ chức gian hàng vui xuân ẩm thực và giới thiệu các sản phẩm truyền thống; gặp mặt hội đồng hương và học sinh - sinh viên tiêu biểu…
Tại chợ hoa Tết TX An Nhơn, người dạo mua hoa ngày càng đông và hoa cũng được bán khá chạy. Đến 20 giờ đêm 30 Tết, lượng hoa đã được bán rất nhiều, nhất là hoa cúc và quất. Anh Lê Văn Thông, bán hoa cúc Tết tại chợ, vui mừng cho biết: “Những ngày qua lượng người đến chợ hoa ít, hoa bán rất chậm, những người bán hoa chúng tôi thật sự không khỏi lo lắng. Đến tối 30 Tết, người đi mua hoa bắt đầu đông hơn, hoa bán được nhiều hơn. Nếu lượng người mua hoa đông như thế này thì hoa sẽ được bán hết trước giờ giao thừa”.
Cột chậu hoa cúc vừa mua được cẩn thẩn trên xe máy để kịp đưa về nhà đón giao thừa, ông Lâm Văn Minh (ở xã Nhơn Khánh), cho biết: “Mấy ngày cận Tết phải lo dọn dẹp, trang trí nhà cửa nên không có thời gian rảnh. Khi mọi công việc đã xong thì tối 30 Tết mới có thời gian chạy xuống chợ hoa của thị xã chọn mua chậu cúc ưng ý với giá 400 nghìn đồng về chưng Tết”.
Anh Trần Văn Tuấn (ở phường Bình Định) dẫn vợ con đi mua hoa, tâm sự: “Do bận công việc làm ăn ở TP Hồ Chí Minh nên nhiều năm nay tôi phải đón Tết xa nhà. Tết này tôi đưa cả nhà về quê đón Tết, nhìn thấy thị xã có nhiều thay đổi nên rất mừng. Bước vào năm mới 2020, tôi mong ước thị xã sẽ có nhiều sự phát triển vượt bậc hơn nữa để vươn tầm lên thành phố trong thời gian sớm nhất”.
Tuyến đường Trần Phú (phường Bình Định) rực màu cờ đỏ Tổ quốc và những chậu hoa cúc vàng được người dân mua về trang trí.
Ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, chia sẻ: Năm 2019 là năm mà các chỉ tiêu phát triển KT-XH của thị xã đều đạt và vượt. Đặc biệt, trong năm 2019, UBND thị xã triển khai thi công 47 dự án, công trình quan trọng, trong đó có nhiều khu đô thị mới được hình thành để mở rộng không gian đô thị của thị xã. Thị xã đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả xây dựng và phát triển đô thị theo tiêu chí đô thị loại III; lập kế hoạch xây dựng đô thị An Nhơn đạt đô thị loại III trực thuộc tỉnh vào năm 2021; xây dựng đề án 5 xã: Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc thành phường theo hướng đô thị loại III; đề án hỗ trợ các xã, phường xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo tiêu chí đô thị loại III, giai đoạn 2020 - 2021. Bên cạnh đó, thị xã tiến hành bê tông hóa 587 tuyến đường giao thông nông thôn, lát gạch block vỉa hè 21 tuyến đường, lắp đặt điện chiếu sáng 15 tuyến đường. Bước sang năm mới 2020, thị xã đặt ra nhiều kỳ vọng và quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị để bước sang năm 2021 thị xã đạt đô thị loại III, từng bước xây dựng An Nhơn trở thành thành phố trước năm 2035.
NGUYỄN PHÚC
● Hoài Ân
Ngày 30 Tết, người dân từ khắp nơi trong huyện đổ về chợ Mộc Bài (thị trấn Tăng Bạt Hổ) mua sắm, tạo nên không khí vô cùng nhộn nhịp. Anh Nguyễn Thanh Xuân, một tiểu thương buôn bán quần áo, cho biết: “Sau sự cố cháy chợ Mộc Bài, nhiều người thiệt hại mấy trăm triệu đồng, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các "mạnh thường quân", chợ được xây dựng lại để bà con buôn bán. Việc chợ được xây kịp thời cho bà con buôn bán trong dịp Tết, ai cũng phấn khởi. Người dân đến chợ mua bán cũng thuận tiện, nhất là việc bố trí các ki ốt rộng rãi, lối đi thông thoáng, không có còn cảnh chen lấn như trước đây”.
Người dân đến mua sắm tại chợ Mộc Bài
Chị Phan Trà Nhung, người dân xã Ân Nghĩa, cho biết: “Ở nhiều xã có chợ, nhưng đi chợ Tết vẫn cứ muốn về chợ Mộc Bài. Ở đây, có đầy đủ các mặt hàng, dễ mua, dễ lựa, nhất là khi chợ được xây mới lại”.
Chiều 30 Tết, tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Tình (69 tuổi, thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa) - 1 trong 11 hộ của huyện Hoài Ân xin ra khỏi hộ nghèo trong năm vừa qua. Trong câu chuyện với tôi, ông Tình cho biết: Hộ nghèo thì được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Nhưng không thể để mình nghèo mãi. Phải cố gắng, phấn đấu để có thể thoát nghèo. Nói về việc chuẩn bị đón Tết, ông Tình cười tươi: “Cũng chuẩn bị đầy đủ, không thiếu cái gì, mình có nhiều sắm nhiều, có ít sắm ít, nhưng cũng chu đáo ba ngày Tết. Còn thiếu một chuyện là ra thăm vườn cây xem thử có sâu bệnh gì không mới yên tâm ăn Tết”.
Ông Nguyễn Văn Tình thăm vườn bưởi để yên tâm ăn Tết
Tôi theo chân ông Tình ra thăm vườn bưởi 3 năm tuổi, những cây đã bắt đầu cho trái bói. Ông cho biết, dự định ăn Tết xong ông tiếp tục cải tạo vườn, thuê đất cùng con trai trồng thêm gần 1 ha cây ăn quả nữa.
Tống Bình
● Vân Canh
Sắc xuân đã tràn vào từng ngõ xóm, từng nhà và trên khuôn mặt của từng người dân Vân Canh.
Phiên chợ muộn của ngày cuối năm, hàng hóa thưa hơn nhiều so vài ngày trước, nhưng vẫn còn một số người đang gấp rút mua sắm thêm vài món hàng cần thiết cho Tết với những cuộc trả giá vội vã. Hàng cũng được bán với giá rẻ hơn ngày thường, bởi cả người bán và người mua đều muốn nhanh trở về nhà để kịp sửa soạn mâm cúng rước ông bà chiều 30 Tết, sau đó là đón giao thừa.
Những cuộc ngã giá vội vã chiều 30 Tết ở chợ huyện Vân Canh
Trong những ngôi nhà khang trang, các gia đình người dân tộc Chăm, Bana đều đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, sửa sang những khóm hoa, cây cảnh… chuẩn bị đón chào năm mới với hy vọng về một cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.
Ở làng Kà Bưng, xã vùng cao Canh Liên, bà con rất phấn khởi, bởi cuộc sống ngày càng khá lên. Họ cùng nhau gấp rút sửa lại cái trống của làng, để sử dụng trong những ngày Tết. Già làng Đinh Thành Nhanh vui vẻ, tự hào nói với chúng tôi: "Tết năm nay làng mình sửa lại cái trống cho mới, để đánh cho hay và múa cồng chiêng cho dẻo, vừa là để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, vừa làm cho bà con thêm yêu âm nhạc, thêm yêu cuộc đời, tích cực xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn".
Bà con làng Kà Bưng xã vùng cao Canh Liên cùng nhau sửa trống để đón giao thừa
Thời khắc giao thừa càng đến gần, không khí chào đón năm mới của đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh càng khiến cho nhịp sống cuối năm nơi đây trở nên gấp gáp, hối hả hơn. Tiếng nhạc vui tươi phát ra từ những ngôi nhà đầm ấm, được trang điểm bởi nhiều loại hoa rực rỡ, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, khang trang.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Tết đến Xuân về, đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh tạm gác lại những lo toan thường ngày, cùng nhau đón Tết đầm ấm, yên vui, với nhiều ước mong và kỳ vọng về một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc.
HẠNH PHÚC
● Tuy Phước
Ít giờ nữa thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới sẽ diễn ra. Thế nhưng, không khí đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang rất chộn rộn ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuy Phước. Đến lúc này, hầu hết các gia đình đã hoàn thành công việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa.
Tuyến đường liên xã về Phước Hưng đẹp hơn vào ngày 30 Tết.
Khắp các đường làng, ngõ hẻm, đường phố dọc quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn huyện, nhiều pa nô nội dung “mừng Đảng, mừng Xuân” và cờ đỏ sao vàng treo chỉnh chu trước ngõ nhà dân, càng làm đường phố trở nên lung linh, đa màu sắc.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Các hoạt động “Mừng Đảng, mừng Xuân” trên địa bàn đã sẵn sàng khai hội. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đều tin tưởng các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm mới sẽ hoàn thành. Đến nay, huyện đã hoàn thành 75% tiến độ dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 640; đã có hơn 2 km đường thảm nhựa, trang trí cờ, hoa, băng rôn, áp phích chào đón năm mới. Nhân dân sống dọc hai bên đường hết sức phấn khởi khi diện mạo đô thị đổi thay. Chưa kể, dự án đầu tư, xây dựng QL 19 mới qua địa bàn huyện cũng gần hoàn tất… Hạ tầng giao thông sẽ là tiền đề để năm 2020 huyện Tuy Phước tăng tốc phát triển KT-XH.
Càng về đêm, dòng người đổ về các điểm bán mai Tết dọc QL 1 qua xã Phước Lộc thêm đông đúc.
Bên cạnh đó, hoạt động liên quan đến công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” trước dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tại Tuy Phước cũng diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tới các gia đình chính sách, hộ khó khăn đã phần nào giúp họ đón Tết ấm cúng, đủ đầy hơn. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức giao, cấp phát xong 160 tấn gạo cứu trợ đỏ lửa cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Không khí mùa Xuân đã tràn về khắp nơi, trên các nẻo đường quê hương Tuy Phước. Tại các làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa), An Cửu - Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng), Xuân Mỹ, Tú Thủy (xã Phước Hiệp)…, người trồng hoa vô cùng phấn khởi vì vụ hoa Tết năm nay vừa được mùa, được giá, thương lái đến tận nhà vườn mua hết với giá tăng hơn 10 - 15% so với năm ngoái.
Chợ hoa nằm dọc theo tỉnh lộ 636
Chung niềm vui, còn có những hộ dân trồng mai kiểng Tết. Nhờ thời tiết thuận lợi nên phần lớn mai bung nụ, nở đúng dịp Tết. Sức mua năm nay tăng hơn mọi năm, nên những hộ trồng mai cũng phấn khởi vì một vụ mùa thắng lợi. Dễ dàng nhận ra điều đó khi quan sát cảnh mua bán mai diễn ra chộn rộn dọc tuyến QL 1 đoạn qua huyện Tuy Phước với nụ cười tươi vui hiện rõ trên nét mặt của những người trồng và bán mai.
Càng gần đến giao thừa, chợ hoa Gò Bồi (xã Phước Hòa) càng đông người đến xem và mua hoa về chưng Tết; giá hoa khá mềm so với năm ngoái. Chị Phan Thị Phụng, một chủ vườn hoa thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, thổ lộ: Năm nay do thời tiết thuận lợi nên hoa được mùa, bán được giá tại vườn, tôi chỉ dành 50 - 100 chậu đi bán lẻ lấy lộc, nhưng giá khá mềm so với bán sỉ. Lúc chiều 30 Tết, giá mỗi chậu hoa cúc loại 50 cm giá 220 nghìn đồng, nhưng đến chập tối rớt xuống còn 170 nghìn, đến 20 giờ còn 120 nghìn, tui kêu bán hết để về kịp đón giao thừa.
“Bình thường mỗi chậu hoa cúc bán tại vườn cho thương lái tùy theo đường kính của mỗi chậu hoa, thấp nhất cũng 200 nghìn đồng, cao nhất lên đến 700 nghìn đồng/ chậu. Còn hoa đưa ra bãi để bán thường là các chậu hoa ít đẹp do trống lá chân nên có giá thấp hơn, miễn bán cho huề vốn là được”, anh Đỗ Văn Bình, chuyên trồng hoa cúc làng hoa Bình Lâm, cho biết.
Trước thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, hầu hết gia đình đã hoàn thành việc cúng gia tiên. Trên các tuyến phố từ tỉnh lộ 640 đến QL 1, QL 19 qua địa bàn huyện Tuy Phước, dòng người đổ ra đường, hòa vào không khí đón năm mới thêm đông đúc, nhộn nhịp.
TRỌNG LỢI - XUÂN THỨC
● Phù Mỹ
Trong những thời khắc cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, nhà nhà, người người đều tất bật hoàn thành những công việc cuối cùng để đón chào năm mới, năm Canh Tý 2020. Trang hoàng nhà cửa, bày biện mâm cỗ cúng rước ông bà, sum họp bên mâm cơm chiều cuối năm… là những hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở cả thành thị lẫn nông thôn chiều cuối năm. Già trẻ, gái trai, ai ai cũng hớn hở, háo hức chào đón năm mới.
Một tuyến đường hoa trung tâm thị trấn Phù Mỹ. Ảnh: Thanh Trọn
Khắp các tuyến đường, nhất là các tuyến đường ở khu vực trung tâm thị trấn Phù Mỹ, thị trấn Bình Dương đã được trang trí cờ hoa, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân rực rỡ. Đặc biệt, các tuyến đường hoa được nhân rộng ra nhiều địa phương trong huyện càng làm cho cảnh quan thêm tươi đẹp.
Nhiều du khách dạo và chụp hình kỷ niệm tại chợ hoa xuân Phù Mỹ đêm 30. Ảnh: Thanh Trọn
Đêm 30 Tết, thời tiết ở Phù Mỹ khá thuận lợi. Một chút se se lạnh của chiều cuối năm, xoa tan đi cái nóng của những ngày trước đó. Lòng người thư thả, rộn ràng hơn. Nhộn nhịp hơn hẳn là tại chợ hoa trung tâm huyện Phù Mỹ. Chiều cuối năm lượng người đổ về dạo chơi và xem hoa mỗi lúc một đông. Hơn ngàn chậu hoa các loại (chủ yếu là vạn thọ và cúc) được tiểu thương hạ giá gần một nửa, với mong muốn bán hết để về đón giao thừa cùng người thân và gia đình. Nhiều du khách đã chọn thêm cho mình một vài chậu hoa chơi Tết, và cũng là ủng hộ các nhà vườn và thương lái.
Do thời tiết năm nay thuận lợi nên các loại hoa, nhất là vạn thọ, cúc được mùa. Theo ghi nhận của chúng tôi, gần đến thời khắc giao thừa, tại chợ hoa Quảng trường huyện Phù Mỹ, người đi mua hoa đông nghịt nhưng lượng hoa còn rất nhiều. Chị Lê Thị Hiệp (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đang bán hoa tại đây, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, mỗi chậu hoa cúc đẹp có giá bán 150 - 200 nghìn đồng, thấp hơn gần một nửa so với Tết năm trước.
Các nhân viên vệ sinh tích cực thu gom rác thải. Ảnh: Văn Tố
Công tác vệ sinh môi trường cũng được Hạt quản lý giao thông công chính huyện đặc biệt quan tâm. Hạt điều động tất cả các xe hiện có để thu gom rác tại các khu phố, chợ và nơi công cộng. Một nhân viên thu gom rác thải cho biết: Năm nào cũng vậy, công việc dọn vệ sinh đường phố qua giao thừa mới hoàn thành, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Không khí đón chào năm mới đang rộn rã khắp muôn nơi. Hầu hết các địa phương trong huyện đều tổ chức giải bóng chuyền, bóng đá truyền thống vào những ngày giáp Tết, tổ chức trận chung kết và một số trò chơi dân gian vào ngày mùng 1 Tết. Các xã quanh đầm Trà Ổ thì rộn ràng chuẩn bị cho giải đua thuyền truyền thống cấp xã được tổ chức vào mùng 2 Tết, để chọn đội tham gia giải đua thuyền truyền thống cấp huyện diễn ra vào sáng mùng 6 cũng trên đầm Trà Ổ. Tối mùng 3, cuộc thi Giọng hát hay huyện Phù Mỹ năm 2020 sẽ diễn ra tại Quảng trường huyện. Sáng mùng 5, huyện tổ chức Lễ hội kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Tối mùng 4 Tết tại xã Mỹ Tài sẽ có hội hô hát bài chòi; và vào các đêm mùng 3, 4, 5 Tết sẽ là Giải võ cổ truyền liên tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Thanh Trọn - Văn Tố
● Vĩnh Thạnh
Sớm nay, ông Đinh Rớ ở làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo dậy thật sớm để sửa soạn sản vật mang lên nhà rông của làng đón năm mới. Ngày cuối năm luôn là ngày để bà con dân làng cùng chung vui và bày tỏ ước vọng năm mới. Và ghè rượu là thứ mỗi gia đình đều có để cùng đón Tết tại nhà rông.
Vũ điệu mừng Xuân Canh Tý của các thiếu nữ làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo
Chiều 30 Tết, đồng bào Bana xuống nhà rông của làng ăn Tết chung. Lễ cúng mừng năm mới được tổ chức tại nhà rông vào ngày cuối năm. Đây là dịp để làng cúng tạ ơn trời và các thần linh phù hộ cho dân làng một năm mùa màng bội thu, và cũng là dịp để mọi người cùng ngồi lại với nhau trò chuyện về năm đã qua, bày tỏ ước vọng về năm mới. Những bộ áo váy truyền thống trong ngày cuối năm được dịp khoe sắc ở làng. Ai cũng muốn mình thật đẹp trong ngày vui đón năm mới.
Một năm mới đang về với đồng bào Bana làng Tà Điệk nói chung và huyện Vĩnh Thạnh nói riêng với những ấm áp từ sự quan tâm của các cấp chính quyền.
Đường hoa Tết Canh Tý ở thị trấn Vĩnh Thạnh
Năm 2019, huyện Vĩnh Thạnh tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như điện, đường giao thông, nhà văn hóa... tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên lĩnh vực sản xuất, huyện tập trung chú trọng việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó đã có thêm nhiều mô hình được nhân rộng và đạt hiệu quả cao như chăn nuôi bò thịt, trồng rau an toàn, thâm canh lúa lai vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Do vậy, có thể nói trong năm qua mặc dù cũng còn không ít khó khăn nhưng người dân đã biết cách đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả nên kinh tế ổn định.
XUÂN DŨNG
● Tây Sơn
Trên quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, Tết cổ truyền bao giờ cũng kéo dài ra đến hết mùng 5 tháng Giêng - ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.
Từ sáng 30 Tết, trên các tuyến đường từ thị trấn Phú Phong đổ về các xã đều xuất hiện rất nhiều cờ trang trí, pa nô nhỏ, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung “Mừng Đảng - mừng Xuân”. Người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị để đón mừng một năm mới tràn đầy niềm vui và hy vọng. Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện như xã Vĩnh An, thôn M6 (xã Bình Tân), làng Cam (xã Tây Xuân), nhờ sự quan tâm của các cấp, bà con người đồng bào dân tộc thiểu số được đón một cái tết đủ đầy hơn. Ông Đinh Ướp, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An, cho biết: “Năm vừa qua đời sống người Bana trên địa bàn xã tuy được cải thiện hơn so với trước nhưng số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều. Vừa qua, làng Kon Giọt 1 của xã dã vinh dự được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về thăm, chúc Tết và tặng 96 suất quà. Với các làng còn lại, bằng sự quan tâm của các ngành, đoàn thể huyện và các "mạnh thường quân", mỗi hộ đều được nhận quà Tết. Chúng tôi rất cảm kích trước sự quan tâm đó”.
Chợ hoa Tết Tây Sơn tối 30 Tết.
Đêm giao thừa, trong tiết trời se lạnh, dòng người đổ về chợ hoa xuân ở thị trấn Phú Phong càng đông. Cũng như thông lệ, năm nào gia đình anh Nguyễn Văn Mỹ (xã Bình Nghi) cũng lên chợ hoa xuân vào tối 30 vừa để mua hoa vừa hòa mình vào không khí xuân ở thị trấn. “Tuy nhà cách thị trấn hơn 10 km nhưng đây là thói quen của gia đình tôi vào đêm giao thừa. Dạo chợ hoa rồi vợ chồng và con cái dạo trên các đường phố theo dòng người để tận hưởng khoảnh khắc bước sang năm mới”, anh Mỹ chia sẻ.
Ngoài hoa cúc và quất kiểng, nhiều người cũng chọn mua các loại hoa kiểng khác.
Đến 21 giờ đêm ngày 30 Tết, chợ hoa Tết Tây Sơn vẫn còn rất nhiều hoa cúc và quất kiểng, còn các loại hoa kiểng khác như hoa ly, hoa giấy, vạn thọ đều bán hết. Anh Nguyễn Nên Danh, một người bán hoa cúc, lý giải: “Người đến xem hoa là nhiều chứ người mua thì ít lắm. Lý do bởi năm nay hầu hết ở các xã đều có các thương lái về bán tại địa phương. Riêng tôi 200 chậu đã bán được 70%. Hi vọng đến giao thừa sẽ bán hết để còn lo về nhà đón Tết cùng gia đình”.
Ngày xuân, một điều không thể thiếu ở Tây Sơn là các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao diễn ra rất sôi nổi. Trong đó, ngoài các hoạt động kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2020), UBND huyện và các xã cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động “Mừng Đảng - mừng Xuân” như: Triển lãm sinh vật cảnh tại ngã ba đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Huệ; Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh tại Sân vận động huyện (mùng 4 đến mùng 6 Tết). Ngoài ra, từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, trong khuôn viên của Bảo tàng Quang Trung cũng sẽ diễn ra các hoạt động như: Hội đánh bài chòi cổ dân gian, chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định và Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Bên cạnh đó, vào sáng mùng 1 Tết, nhiều địa phương trên địa bàn huyện cũng sẽ đồng loạt tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền.
HỒNG PHÚC