An Nhơn vui trò cổ nhơn ngày xuân
TX An Nhơn ngày xuân, ngoài những chương trình văn nghệ, bài chòi, hát tuồng, đánh cờ người…, ở đây còn duy trì trò chơi cổ nhơn. Xổ cổ nhơn là trò chơi dân gian nhưng trí tuệ, do vậy được xem là thú vui tao nhã và thu hút nhiều lớp người tham gia.
Người tham gia luận giải câu thai.
Năm nay, trò chơi cổ nhơn ở TX An Nhơn được tổ chức từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng. Trụ sở làm việc của Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn là nơi đặt cây nêu treo câu thai và hộp đáp án. Trước khi bắt đầu trò chơi, địa phương phải thành lập Hội xổ cổ nhơn gồm những người am hiểu thi phú, chịu trách nhiệm ra đề, thu tịch và chung tiền.
Chưa có tư liệu ghi về nguồn gốc của cổ nhơn nhưng nhiều người chơi ở An Nhơn cho rằng trò chơi có từ thời nhà Nguyễn, sau đó du nhập vào Bình Định và có những thay đổi để phù hợp với người dân nơi đây. Nếu ở huyện Hoài Nhơn, tịch của trò chơi này gồm 36 danh vật (con vật) thì ở An Nhơn có 40 danh vật. Mỗi con có 2 tên: Tên dân gian, tên chữ, cùng một con số tượng trưng theo thứ tự. Dù được quyền xổ cả 40 danh vật nhưng phải ngoại trừ 2 danh vật mới xổ và thế thân; mỗi danh vật được quyền xổ đi, xổ lại nhiều lần và được xổ nhất cách nhất chiếu.
40 danh vật ở hội cổ nhơn TX An Nhơn.
Đề của trò chơi cổ nhơn là 2 hoặc 4 câu thơ lục bát, được gọi là câu thai. Sau đó người chơi tham gia luận giải. Mỗi câu thai đều mang ý vị, phong tình có thể dùng danh lam thắng cảnh, những câu chuyện sách sử, điển tích điển cố… để người chơi dựa vào ý nghĩa mà đàm luận. Với bộ tịch 40 con và đề là 2 - 4 câu thai, Ban tổ chức sẽ đưa ra câu thai và treo đáp án trên cây nêu để bắt đầu ván chơi. Từ 28 - 30 tháng Chạp, hội cổ nhơn tổ chức xổ 2 lần/ngày (sáng, chiều), từ mùng 1 - mùng 5 tháng Giêng, hội xổ 3 lần/ngày (sáng, chiều, tối).
Đang đợi đáp án, anh Nguyễn Xuân Tín (người mê chơi cổ nhơn ở phường Bình Định), cho biết: Đọc câu thai và tìm đáp án thật sự rất thú vị, sau khi đánh xong tôi luôn mong chờ đến thời gian có đáp án, vì đây không chỉ là chuyện thắng thua mà còn xem mình có luận đúng không.
Người chơi tập trung ở sân Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn chờ Ban tổ chức mở đáp án.
Nói đến cổ nhơn ở TX An Nhơn, phải nói đến xã Nhơn Phong. Ở đây, người ghi cổ nhơn rất nhiều và nơi nào cũng đông người chơi vui vẻ luận bàn. Người chơi có thể là những người cao niên hay chữ, cũng có thể là người trẻ. Người thì trầm ngâm rất lâu để đưa ra đáp án, người thì đánh ngay không cần suy nghĩ quá nhiều để thử vận may. Vì có nhiều người dân hâm mộ nên chừng 27 - 28 tháng Chạp, hội xổ cổ nhơn ở Nhơn Phong đã bắt đầu và kết thúc cũng rất muộn, khoảng mùng 10 đến Rằm tháng Giêng.
Ông Nguyễn Văn Bảy, người ghi cổ nhơn đã hơn 20 năm ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, chia sẻ: “Tết nhất, ngoài thăm gia đình, dòng họ, tôi cũng không đi đâu nhiều. Trò chơi này kể ra cũng hay. Dù gắn bó đã mấy mươi năm như vậy chứ ai hỏi tôi kinh nghiệm để thắng giải thì tôi cũng chịu thua vì mỗi năm mỗi khác”.
Cuối mỗi ván chơi, người ghi, người chơi tập trung dưới cây nêu để đợi Ban tổ chức đưa ra đáp án. Muốn cảm nhận rõ sự thú vị của trò chơi này, hãy thử, biết đâu bạn sẽ ghiền đấy!
THẢO KHUY