Ðại hội lần thứ III của Ðảng
Sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ 1954, miền bắc hoàn toàn được giải phóng, miền nam còn tạm thời nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ - ngụy. Vì vậy, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền bắc và tiến hành đấu tranh để giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến 10.9.1960.
Ở miền bắc, Ðảng lãnh đạo hoàn thành cải cách ruộng đất, tiến hành khôi phục kinh tế bằng kế hoạch ba năm (1955-1957); cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) (1958-1960), tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ miền bắc, chi viện cho miền nam. Những tiến bộ về kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho văn hóa, giáo dục, y tế phát triển. Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được công bố ngày 1.1.1960 là thắng lợi lớn của chế độ mới. Chủ trương của Ðảng đưa miền bắc đi lên theo con đường CNXH là một thắng lợi to lớn trong chiến lược cách mạng Việt Nam. Ðó là cơ sở vững chắc, là hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền nam, nhân tố quyết định cho sự nghiệp hoàn thành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Ở miền nam, thời kỳ đầu so sánh lực lượng bất lợi cho ta, Ðảng chủ trương bảo toàn lực lượng, sử dụng các hình thức đấu tranh chính trị hòa bình, tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) Ban Chấp hành T.Ư Ðảng thông qua Nghị quyết về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà. Ðây là một nghị quyết lịch sử tạo nên bước chuyển biến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước, thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân miền nam tiến lên. Từ cuộc nổi dậy ở Bắc Ái (2-1959), Trà Bồng (8-1959) đã lan rộng ra khắp miền nam thành phong trào "Ðồng khởi" ở Bến Tre (1-1960) phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ. Ngày 20.12.1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời chủ trương đoàn kết quân dân, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai.
Giữa lúc cách mạng miền nam giành nhiều thắng lợi trong phong trào "Ðồng khởi" từ đầu năm 1960 và công cuộc cải tạo XHCN, phát triển kinh tế ở miền bắc thu được kết quả to lớn, Ðảng ta tiến hành Ðại hội. Ðại hội lần thứ III của Ðảng họp từ ngày 5.9 đến 10.9.1960 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 525 đại biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Ðại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Ðảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà". Ðại hội lần thứ III của Ðảng đã xác định nhiệm vụ chung của cả nước, nhiệm vụ của hai miền và mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam, thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Ðại hội bầu Ban Chấp hành T.Ư Ðảng. Ðồng chí Hồ Chí Minh được bầu tiếp tục làm Chủ tịch Ðảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Ðảng.
(Biên soạn từ: Văn kiện Ðảng toàn tập; Lịch sử Biên niên Ðảng Cộng sản Việt Nam)
Theo báo Nhân Nhân