Kể nhau nghe những câu chuyện hào hùng
Từ Mùng 3 đến Mùng 5 Tết Canh Tý, người dân, du khách lại quây quần trẩy hội trên đất vua. Trước đó, Bảo tàng Quang Trung đã được đầu tư, nâng cấp nhiều hạng mục, khuôn viên, tạo ấn tượng trong lòng du khách.
Người dân, du khách trẩy hội Đống Đa.
Từ sâu thẳm tâm thức người dân
Cùng với việc người dân, du khách hành hương trên đất vua nhân dịp kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Bảo tàng Quang Trung mở cửa phục vụ du khách. Các hiện vật được trưng bày khoa học, trang hoàng hấp dẫn khiến nhiều du khách không khỏi trầm trồ và thích thú chụp hình lưu niệm. Ông Nguyễn Nhẫn (65 tuổi, huyện Phù Mỹ), chia sẻ: Bảo tàng Quang Trung là nơi quen thuộc của gia đình tôi, bởi mỗi khi bà con xa về hay khách tới thăm tôi đều giới thiệu vùng đất, lịch sử đầy tự hào này. Năm nay, đến Bảo tàng tôi có cảm giác mới mẻ hơn, đặc biệt khu trưng bày của Bảo tàng rộng thoáng, nhiều không gian để chúng tôi tìm hiểu lịch sử, chụp ảnh lưu niệm.
Có thể nói, Bảo tàng Quang Trung là nơi thu hút được nhiều du khách ngoại tỉnh. Dù dịp lễ giỗ hay Tết, Bảo tàng luôn đón những vị khách phương xa. Lần thứ 2 đến với Bảo tàng Quang Trung, bà Lê Ánh Sương (60 tuổi, Hà Nội), cho biết: Đến đây là dịp để chúng tôi nói với con cháu về lịch sử hào hùng của dân tộc, thăm thú vườn xưa, nơi những nghĩa binh rèn binh luyện võ.
Tham quan khu trưng bày của Bảo tàng Quang Trung.
Từ những ngày trước Tết, người dân đã chuẩn bị lễ vật, nén hương để dâng lên vị vua của mình với lòng thành kính. Có những người còn ngỏ ý muốn làm hướng dẫn viên tình nguyện để giới thiệu quê hương với du khách. Cô Võ Thị Thanh Tâm (người dân ở thị trấn Phú Phong), bày tỏ: Vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn là niềm tự hào của người dân chúng tôi. Những dịp giỗ ngài hay lễ Tết như thế này, chúng tôi đều đến Bảo tàng để thắp nén tâm hương cầu mong sức khỏe cho gia đình, năm mới yên vui. Đây như là nơi xin lộc đầu năm của chúng tôi vậy. Không chỉ những người lớn tuổi mới hiểu rõ lịch sử, con người của quê hương, mà các con, các cháu cũng đều thấm nhuần nhờ những lời kể của ông bà, cha mẹ, điều đó đã là truyền thống.
Tham quan ở Nhà rông.
Nâng niu bản sắc truyền thống
Đến với Bảo tàng Quang Trung, ngoài dâng hương ở Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, tham quan giếng nước gốc đa, du khách còn được thưởng thức nhạc võ, “đặc sản” không thể thiếu ở Bảo tàng Quang Trung; xem những thước phim đầy ấn tượng, chân thực về triều đại Tây Sơn… Đồng thời, năm nay, du khách còn được tham quan Nhà rông trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, khu vực này thu hút nhiều người chụp ảnh, thăm thú. Hơn nữa, trong 2 ngày (Mùng 4 và Mùng 5 Tết), nơi đây còn giới thiệu cơm lam Tây nguyên. Anh Đặng Văn Sơn (ở Kon Tum, Gia Lai), chia sẻ: Gia đình tôi đến đây từ Mùng 4 Tết để làm lễ, sau đó ở lại nhà bà con. Hôm nay, gia đình tôi trẩy hội và tham quan Nhà rông tại Bảo tàng Quang Trung. Tôi rất vui vì nhiều người cũng rất thích thú tìm hiểu, tham quan khu vực này.
Hội đánh bài chòi dân gian.
Một đặc sản không thể thiếu ở Lễ hội Đống Đa là Hội đánh bài chòi dân gian. Hội đánh bài chòi dân gian phục vụ du khách từ Mùng 3 - Mùng 5 Tết. Đây luôn là khu vực tạo được không khí xôm tụ cho lễ hội. Khoảng 8 giờ sáng, âm thanh vang lên, nghệ nhân đã sẵn sàng, hội đánh bài chòi dân gian bắt đầu. Lúc nào cũng vậy, trước khi bắt đầu hội chơi, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú giới thiệu cho mọi người về cách thức tham gia và trình thức hội đánh bài chòi dân gian. Những người trẻ, chân tay còn khỏe mạnh thì thượng chòi, những cụ ông, cụ bà không thượng chòi được cũng sắm cho mình thẻ bài. Nhờ hội đánh bài chòi dân gian đã duy trì nhiều năm, cộng với việc giải thích nhiệt tình của nghệ nhân, người chơi (kể cả những vị khách phương xa và các em nhỏ) cũng hiểu và thấy được nét hay, nét đẹp của loại hình nghệ thuật này.
Biểu diễn võ thuật.
“Năm trước em cũng tham gia hội đánh bài chòi, năm nay em lại may mắn trúng giải. Em thấy hội đánh bài chòi rất thú vị, ai cũng tham gia được nên rất vui” - Em Nguyễn Thanh Thy, Trường THCS Võ Xán (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), bày tỏ.
THẢO KHUY