Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng cao nhất trong 7 năm gần đây
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2020 tăng 1,23% so với tháng 12-2019 và tăng 6,43% so với tháng 1-2019, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Sáng 29.1, Tổng cục Thống kê cho biết, Tết Nguyên đán Canh Tý rơi vào tháng 1-2020 nên nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân tăng cao. Điều này đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2020 tăng 1,23% so với tháng 12-2019 và tăng 6,43% so với tháng 1-2019.
Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây.
So với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều tăng giá.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 2,29%. Tiếp đến là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%. Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%; giao thông tăng 0,69%. Đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%... Riêng bưu chính, viễn thông giảm 0,03%.
Giải thích nguyên nhân CPI tháng 1-2020 tăng, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho hay, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán tăng cao hơn tháng trước, trong đó, nhóm thực phẩm tăng cao nhất ở mức 2,6%.
Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% so với tháng trước. Nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện lần lượt tăng 1,78% và 0,42%.
Cùng với đó, vào tháng cuối năm, nhu cầu sửa chữa nhà cửa cũng tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,64%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,71%.
Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng ngày 31-12-2019 và giảm vào ngày 16-1-2020, bình quân tháng 1-2020, giá xăng dầu tăng 1,29% so với tháng trước.
Giá gas thế giới tháng 1-2020 tăng từ mức 447,5 USD/tấn lên mức 577,5 USD/tấn, tăng 130 USD/tấn, theo đó, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 48.000 đồng/bình 12kg, tăng 14,08% so với tháng 12-2019.
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm CPI tăng, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 1-2020 như thời tiết ở các tỉnh phía Bắc chuyển lạnh nên nhu cầu tiêu dùng điện giảm, làm cho giá điện sinh hoạt giảm 0,38%.
Một số mặt hàng điện tử giảm giá do các doanh nghiệp thực hiện chính sách kích thích tiêu dùng nhằm thu hồi vốn trong những ngày giáp Tết như giá tivi giảm 0,28%; đầu DVD giảm 0,37%; máy giặt giảm 0,29%; điện thoại di động giảm 0,17%.
Bên cạnh đó, một số loại rau tươi đang vào vụ thu hoạch rộ, nguồn cung dồi dào nên giá giảm, như bắp cải giảm 7,32%, su hào giảm 7,53%, cà chua giảm 8,54%, khoai tây giảm 4,01%, đỗ quả giảm 5,11%...
Cũng trong tháng 1-2020, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân đến ngày 22-1, giá vàng thế giới ở mức 1.553,69 USD/ounce, tăng 5,1% so với tháng trước.
Giá vàng thế giới tăng do một số yếu tố như đàm phán Mỹ - Triều Tiên về hạt nhân, Anh rời khối Liên minh châu Âu vào tháng tới, căng thẳng giữa Mỹ và Iran... Do đó, nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao, làm cho giá vàng tăng.
Bình quân tháng 1-2020, giá vàng trong nước tăng 4,37% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 4,32 triệu đồng/chỉ.
Trong tháng 1-2020, đồng đôla Mỹ trên thị trường thế giới giảm nhẹ do ảnh hưởng của căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào, đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, nên tỷ giá giữa VND và USD tháng 1-2020 khá ổn định, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 1 ở quanh mức 23.222 VND/USD.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng 1-2020, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý, bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tăng 0,76% so với tháng trước, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1-2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động lạm phát chung chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá một số dịch vụ tăng do nhu cầu cuối năm tăng.
Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)