Sức xuân ở Canh Hòa
Về xã Canh Hòa (Vân Canh) vào một ngày đầu xuân, đi trên những con đường bê tông sạch sẽ, nhìn những ruộng lúa, rẫy mì tươi tốt 2 bên đường, chúng tôi thật sự ấn tượng về một xã vùng cao đang khởi sắc.
Trẻ em làng Canh Lãnh chơi đá bóng tại khu sinh hoạt của làng.
Mùa xuân không chỉ tràn ngập trên các vạt núi, cánh rừng, mùa xuân đang ngự trị trong từng ngôi nhà của đồng bào các dân tộc trong xã. Cuộc sống của bà con khá ổn định, những mái nhà tranh vách đất, nhà sàn đơn sơ đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố nhờ các chương trình xóa nhà tạm cho gia đình chính sách, hộ nghèo và Nghị quyết 30a. Nhiều nhà có ti vi, tủ lạnh, xe máy, điện thoại di động... Có hộ đã sắm được máy cày và một số công cụ sản xuất trị giá hàng trăm triệu đồng. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ở các làng đều được xây dựng bề thế khang trang. Năm nay, cùng với quà hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức xã hội, từ thiện và sự chuẩn bị chu đáo của bà con nên nhà nào gạo cũng đầy nồi, thịt, rượu, bánh mứt đủ cả. Ông Đoàn Văn Hùng, ở làng Canh Lãnh, chia sẻ: “Năm nay, đa số bà con trong làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn mọi năm. Nhà cửa khang trang, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, bộ mặt của làng đổi mới nhiều. Các hộ có hoàn cảnh khó khăn còn được tặng quà tết nên bà con rất vui”.
Về làng Canh Phước, chúng tôi nhìn thấy con đường vào khu sản xuất suối Rùa, suối Gè, suối Ké; đường giao thông nội đồng từ làng ra suối Cau đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vận chuyển sản phẩm nông, lâm nghiệp, làm tăng giá trị kinh tế trên một hecta đất canh tác nên bà con rất phấn khởi. Ông Mang Hùng, Trưởng làng Canh Phước, vui mừng cho biết: “Trước kia chưa có đường, diện tích đất sản xuất ở 2 khu này chỉ có hơn 100 ha, chủ yếu là cây keo. Từ khi có đường, bà con mở rộng diện tích đất sản xuất lên 400 ha; những khu đất tốt được chuyển đổi sang trồng mì. Thu nhập từ cây mì, cây keo cũng tăng gấp 2 - 3 lần so trước đây”.
Ở làng Canh Lãnh, Ban quản lý làng đã vận động bà con đóng góp hơn 35 triệu đồng để mắc hơn 20 bóng điện chiếu sáng trong làng, góp phần đảm bảo ANTT và làm thay đổi bộ mặt miền núi, vùng cao.
Có thể thấy, cơ cấu kinh tế ở xã Canh Hòa đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng tăng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn xã hiện đã có Nhà máy năng lượng sinh học thuộc Công ty CP Năng lượng sinh học Vân Canh thu hút một lượng đáng kể lao động phổ thông. Bà con trong xã đã mở 24 điểm dịch vụ buôn bán lẻ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Được gặp nhiều người dân Canh Hòa, nghe họ tự hào kể về những đổi thay trên quê hương mình, chúng tôi cảm phục ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc trong xã. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng với sự nỗ lực của từng người dân, vùng quê nghèo thuở nào đang bừng lên một sức sống mới. Ông Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Đảng ủy xã Canh Hòa, tâm sự: “Năm nay, phong trào thi đua lao động sản xuất của bà con trong xã rất sôi nổi, nên cuộc sống khá hơn rất nhiều; đa số người dân trong xã đều có lúa mới ăn tết và sắm tết chu đáo hơn mọi năm. Từng hộ gia đình khấm khá thì làng xóm trù phú, khang trang”.
Trong niềm vui về những đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Văn Kim tin rằng, năm Canh Tý 2020, xã Canh Hòa sẽ phát triển hơn năm 2019, bởi tiềm năng đất đai ở địa phương khá dồi dào, phong trào thi đua lao động sản xuất khá sôi nổi, cộng với ý chí tự lực vươn lên trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong xã, sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để tiếp tục vươn lên, bắt nhịp cùng với các địa phương khác ở huyện Vân Canh trong công cuộc xây dựng và phát triển.
HẠNH PHÚC