Xúc phạm danh dự của nhà báo sẽ bị phạt tiền
Nghị định số 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản vừa được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 thay thế cho Nghị định số 02/2011.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, Nghị định này sẽ nâng cao biện pháp bảo vệ nhà báo, đồng thời công nhận quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo trong hoạt động báo chí.
Lần đầu tiên Nghị định 159 công nhận quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo. Cụ thể, tại Điều 7 quy định về hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí đã đặt ra vấn đề bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo ghi rõ: phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; phạt tiền đến 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên. Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Tại Điều 14 Luật Báo chí năm 1999 quy định, nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo. Tiếp đó, tại Nghị định 02 cũng chỉ áp dụng đối với những nhà báo đã có thẻ. Điều này vô hình trung đã bỏ qua một lực lượng lớn những phóng viên hoạt động báo chí chưa có thẻ nhà báo sẽ không được bảo vệ.
Và đã dẫn đến những tình trạng, khi đến liên hệ làm việc nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu phóng viên phải có thẻ mới tiếp và trả lời phỏng vấn, còn không thì không trả lời. Chính vì thế, với Nghị định mới này thì những phóng viên chưa có thẻ đang hoạt động báo chí, đưa tin viết bài, chụp ảnh được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp cũng đã được pháp luật bảo vệ. Đây là một sự thay đổi tích cực đối với các cơ quan báo chí, nhất là với các phóng viên chưa có thẻ.
Với những bổ sung này tại Nghị định sẽ có nhiều thuận lợi cho các nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp. Bởi nếu các đơn vị, tổ chức không thực hiện đúng quy chế phát ngôn, phóng viên có thể gửi văn bản hoặc gọi điện thoại thông báo đến Thanh tra Bộ TT&TT hoặc Thanh tra Cục Báo chí (nếu là báo in) để giải quyết. (Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT)
Ngoài ra, Nghị định 159 cũng đã phân tách rõ ràng những sai phạm của cá nhân, tổ chức. Cụ thể, tại Điều 4 quy định phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức, ghi rõ: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; Thẩm quyền phạt tiền đối với các chức danh quy định tại Chương II nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức bằng hai lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Một điểm mới khác, Nghị định 159 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định… Do đó, Nghị định nói trên đã bổ sung hành vi “không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” vào nhóm hành vi phải chịu chế tài.
Ông Hoàng Hữu Lượng cho biết: “Với những bổ sung này tại Nghị định sẽ có nhiều thuận lợi cho các nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp. Bởi nếu các đơn vị, tổ chức không thực hiện đúng quy chế phát ngôn, phóng viên có thể gửi văn bản hoặc gọi điện thoại thông báo đến Thanh tra Bộ TT&TT hoặc Thanh tra Cục Báo chí (nếu là báo in) để giải quyết”.
Bên cạnh đó, Nghị định 159 cũng đưa ra hình phạt đối với những vi phạm quy định về nội dung thông tin. Cụ thể, phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin…; Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi miêu tả tỷ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh. Đăng phát tin, bài, ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN… Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc xử lý hành vi này vẫn còn gặp nhiều lúng túng. Bởi, mức độ hở thế nào để bị coi là thiếu thẩm mỹ và không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN còn chưa rõ ràng và vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Vì thế, các quy định cần được cụ thể hơn nữa để tránh gây ra những thắc mắc, tranh cãi trong quá trình xử lý.
Theo Thanh Ngọc (Văn hóa online)