Hương vị núi rừng ngày Tết
An Lão, một trong 3 huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Bình Định, là nơi sinh sống của các dân tộc anh em: Kinh, H’re, Bana. Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loài động, thực vật phong phú và đa dạng, nên trong ẩm thực của người miền núi An Lão cũng có nhiều nét dân dã, độc đáo.
Mặc dù huyện An Lão chưa xây dựng và tổ chức được các điểm du lịch như mong muốn, nhưng những năm gần đây, nhiều du khách trong nước có dịp đến với huyện vùng cao này đã không thể nào quên phong cảnh núi rừng hùng vĩ và những món ăn dân dã đậm đà bản sắc dân tộc.
Thưởng thức rượu cần
Đã từ lâu đời, uống rượu cần đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong sinh họat văn hóa cộng đồng của đồng bào H’re, Bana (An Lão). Rượu cần của người H’re, Bana ở đây thường được chế biến từ củ mì gòn hoặc những hạt bắp vừa thu họach trên nương, đem về ngâm ủ trong chóe sành với một lọai men tạo từ vỏ cây rừng. Sau 7 đến 10 ngày, rượu dậy mùi thơm của bắp, khoai, hòa quyện với nước suối trong vắt, tạo nên vị cay ngọt nồng nàn, khó cưỡng.
Mời rượu cần ngày Tết của đồng bào H’re (An Tân).
Cơm lam
Đến với món cơm lam vùng núi An Lão, người ăn có thể cảm nhận mùi thơm của lúa rẫy. Cơm được làm từ gạo lúa rẫy ngâm với lá dứa một đêm rồi vo gạo đổ vào ống tre hoặc nứa. Khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người nấu khéo léo đổ nước mát lạnh đựng trong những trái bầu khô vào từng ống một, tước những thẻ lá chuối rừng già đã được hơ lửa và thắt nút cho từng ống tre nứa, rồi đặt lên ngọn lửa than hồng cho đến khi cơm chín. Cơm lam là món ăn không thế thiếu trong các dịp lễ hội, ngày Tết của đồng bào nơi đây. Nhẹ nhàng tách ống tre nứa, chia cơm thành những khoanh tròn, chấm với muối mè hoặc ăn với thịt sấy khô nướng lửa, thật ngon hết biết.
Cá niên, rau dớn
Dớn là một loại rau rừng rất quen thuộc đối với đồng bào các dân tộc ở An Lão. Lá non rau dớn thường được dùng để luộc, xào hoặc ăn sống. Những khi có cá niên vừa bắt lên từ suối đem nướng thật vàng, giòn bằng lửa than xong, vứt bỏ đầu cá, rút hết xương, bóc thịt cá trộn đều với rau dớn được trụng qua nước sôi, cho thêm ớt, tỏi, hành củ và muối vừa ăn. Vị bùi đắng nhân nhẫn của cá niên cộng với những cộng rau dớn xanh rờn, giòn ngọt sẽ trở thành món ngon nhớ đời với những ai một lần may mắn được thưởng thức.
Rau dớn, cá niên An Lão.
Canh rau ranh, ốc đá
Rau ranh là loại rau mọc hoang trên rừng, lá to bằng lá chè, có màu nõn chuối, mùi hơi chua, dịu hơn lá bứa, mọc nhiều ở vùng núi An Lão. Còn ốc đá là loài ốc sống trong các gộp đá ở các suối trên núi cao, lớn hơn đầu đũa một tí. Hai loại này “kết bạn” với nhau trong thực đơn của người vùng cao và trở thành món khoái khẩu của nhiều người khi về thăm An Lão, nhất là trong những ngày hè nóng bức. Ốc đá còn có thể nấu với mít non và cốt nước dừa, khi mít chín mềm, nêm gia vị rồi cho một ít lá lốt thái sợi lên trên, ăn nóng rất ngon.
Ngắm lan rừng khoe sắc
Được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng, hiện nay huyện An Lão còn lưu giữ và bảo tồn hàng trăm loài lan rừng quý hiếm. Trong đó, đứng đầu là lan Đại Châu An Lão có màu hoa trắng tím, hương thơm dìu dịu, ngây ngất. Hiện lan Đại Châu An Lão được người chơi lan sành điệu lùng mua với giá từ 400 -
500 nghìn đồng/nhánh. Những ngày giáp Tết, đi đâu bạn cũng dễ bắt gặp những giò lan rừng khoe sắc, ngan ngát hương thơm mê đắm lòng người.
Thú chơi lan rừng của anh Đức (xã An Hòa).
HOÀNG NAM QUỐC