“Tết tươi” là gì?
Nhân những ngày Xuân mới còn đang rất nồng nàn, xin được bàn về hai tiếng tết tươi. Ta hay hai tiếng này trong cách nói ngày tết ngày tươi. Tra một số cuốn từ điển tiếng Việt, chúng tôi không thấy mục từ tết tươi được ghi nhận. Vậy, tết tươi là gì?
Tết thì ai cũng rõ. Vậy còn tươi? Trong tiếng Việt có 2 từ tươi. Tươi1 có 6 nét nghĩa là: 1. “(hoa lá, cây cối đã cắt, hái, đẵn xuống) đang còn mới, còn giữ nước, chưa úa, chưa héo, chưa khô. Rau tươi”; 2. “(thịt đã làm, tôm cá đã đánh bắt) còn mới, còn nguyên chất, chưa ươn, chưa bị biến chất. Miếng thịt còn rất tươi”; 3. “còn rất mới, chưa ráo nước, chưa khô. Còn tươi vết mực”; 4. “(nét mặt) có biểu hiện vui vẻ, phấn khởi. Mặt tươi như hoa”; 6. “khá hơn bình thường về đời sống vật chất, và vui vẻ hơn. Ăn một bữa tươi”. Tươi2 có nghĩa “(cân) có một tỷ lệ nhỏ của khối lượng được thêm vào, nhưng không tính. Cân tươi một chút để trừ hao” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.1043). Có phải vì tết vạn vật tươi mới, ai cũng tươi vui nên được gọi là “tết tươi”? Hay tươi chỉ là một yếu tố láy của tết và tết tươi là một từ láy?
Thật ra, tết tươi là một tổ hợp đẳng lập có nguồn gốc Hán. Về yếu tố tết, chúng tôi đã có dịp trình bày trên mục Chữ & Nghĩa của Báo Bình Định trước đây. Nay xin nói về yếu tố tươi. Tươi là âm xưa của tư (bộ thảo), có một nét nghĩa là “năm, mùa” (Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, NXB Thanh Niên, tái bản lần 5, 2011, tr.679). Mối quan hệ gần gũi giữa hai vần /-ư/ ↔ /-ươi/ ta có thể gặp trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn, trong phương ngữ Bình Định, ở một số nơi, /-ươi/ được nói thành /-ư/ (ví dụ: Người [ta] ↔ ngừ [ta], [nụ] cười ↔ [nụ] cừ).
Vì tươi cùng một trường nghĩa với tết nên có thể gộp thành tết tươi để mang nghĩa khái quát; hơn nữa, có ngày tết nên cũng có thể có ngày tươi, do đó mà có cách nói ngày tươi ngày tết hoặc ngược lại. Thậm chí, hình thức gốc Hán tư của tươi cũng tồn tại trong tiếng Việt ở những cách dùng tương đương là tư tết, ngày tư ngày tết.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ