Kể chuyện bảo vệ động vật quý hiếm
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức người dân trong tỉnh chung tay bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm; góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
Nhân viên vườn thú FLC huấn luyện đại bàng phục vụ du khách đến tham quan.
Bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức
Chia sẻ về công tác bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Đức Sáu cho biết, trước đây, khi tiếp nhận các cá thể, như: Voọc chà vá, culi... do người dân giao nộp thì Chi cục bàn giao lại cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình). Từ năm 2017, Chi cục bàn giao lại các loại động vật này cho Công viên động vật hoang dã FLC (thuộc Công ty CP đầu tư và phát triển vườn thú Faros) thành lập tại Bình Định để cứu hộ, chăm sóc, thả trở lại rừng. “Năm nay, Chi cục đã tiếp nhận và bàn giao 2 con culi, 1 con voọc chà vá chân xám cho đơn vị này để chăm sóc”, ông Sáu hào hứng kể rồi mời tôi đến vườn thú FLC kiểm chứng.
Đúng hẹn, chúng tôi cùng các cán bộ Chi cục Kiểm lâm đến vườn thú FLC. Đưa chúng tôi dạo quanh vườn thú, ông Mai Xuân Tình, Giám đốc Công viên động vật hoang dã FLC cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm giới thiệu: “Ở đây chúng tôi đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 42 loài động vật rừng nằm trong nhóm nguy cấp, quý hiếm, như: Hổ, gấu ngựa, công xanh Đông Dương, voọc chà vá chân xám...”. Dẫn chúng tôi đến khu chuồng đang nuôi 2 cá thể culi, đúng lúc các nhân viên ở đây đang chuẩn bị chuyển chúng sang chuồng lớn. Ngồi nghỉ mát dưới hàng dương liễu xanh rì, lồng lộng gió giữa cái nắng chói chang, ông Tình cho biết: “Hầu hết các cá thể này được người dân phát hiện mang về nuôi nhốt trong thời gian lâu, nên chúng bị mất bản năng hoang dã, rất khó phục hồi khả năng tự tìm kiếm thức ăn. Vì không hiểu về đặc tính của chúng, nên khi nuôi họ cho uống sữa, ăn cháo khiến hệ tiêu hóa của chúng bị thoái hóa, nên khi tiếp nhận thì chúng tôi phải mất nhiều thời gian chăm sóc. Riêng 2 con culi tiếp nhận trong năm nay, chúng tôi vẫn đang chăm sóc, tập lại cho chúng đặc tính tự tìm thức ăn rồi sẽ thả về lại tự nhiên vào cuối năm nay. Nhưng không phải cứ loài động vật hoang dã nào khi cứu hộ xong mình cũng sẽ thả về tự nhiên. Ví như loài khỉ, hay trăn khi bị nuôi nhốt quá lâu, khi thả về tự nhiên sẽ dễ bị người dân bắt lại, bởi chúng đã mất hẳn bản năng có thể đấu tranh tồn tại trong môi trường hoang dã”.
Một cá thể culi được chăm sóc tại vườn thú FLC.
Trở lại xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, theo chân cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn đi tuyên truyền cho người dân về bảo vệ động vật quý hiếm. Ông Đinh Công Niên, người dân ở thôn 2, xã An Toàn, chia sẻ: “Từ khi được ngành chức năng tuyên truyền, bà con ở đây không còn phá rừng, săn bắt động vật rừng nữa. Rừng ở đây vẫn còn nhiều loài động vật quý hiếm sinh sống, nhiều nhất là các loài khỉ, vượn, voọc. Có khi chúng kéo xuống phá hoa màu, vườn cây của người dân thì bị họ đuổi trở lại lên núi”.
Tiếp lời, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết, UBND tỉnh đã quy hoạch nơi đây là Khu bảo tồn thiên nhiên, vì có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ, như: Gấu ngựa, sao, voọc chà vá chân xám, khỉ mặt đỏ, vượn má vàng… cùng các loại cây gỗ quý trăm năm tuổi, như: Hương, lim, trắc… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên đồng bào dân tộc thiểu số ở đây cùng chung tay giữ rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm nơi này.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm cho học sinh Trường THCS Trần Bá (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước).
Cả cộng đồng cùng bảo vệ rùa biển
Trong ký ức của nhiều người ở làng biển Nhơn Hải, những năm 90 trở về trước, từ khoảng tháng 4 - tháng 8 âm lịch hàng năm, rùa liên tục bò lên bãi biển đẻ trứng. Nhưng do kiêng cữ trong tín ngưỡng, họ không bắt rùa ăn thịt mà chỉ đào lấy trứng rùa để ăn. Thế rồi, rùa biển gần như vắng bóng dần do tốc độ đô thị hóa, bãi biển nơi rùa thường chọn làm nơi đẻ mất dần.
Việc triển khai các dự án bảo tồn nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân ở Nhơn Hải chung tay bảo vệ rùa biển không phải thực hiện “một sớm, một chiều” mà cả một nỗ lực lớn trong thời gian dài của các tình nguyện viên, của chính quyền địa phương trong công tác truyền thông để người dân hiểu được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ động vật biển quý hiếm.
Năm 2011, ngành Thủy sản tỉnh phối hợp với Tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai chương trình bảo vệ rùa biển - loài động vật biển quý hiếm nằm trong Sách Đỏ tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Đến nay, cả làng biển Nhơn Hải cùng chung tay bảo vệ rùa biển. Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, hồ hởi: “Người dân ở đây giờ không còn ai bắt rùa hay đào lấy trứng rùa để bán như trước nữa, mà bà con rất tự giác khi phát hiện rùa biển mắc vào lưới, hay bò lên bãi biển đẻ trứng đều chung tay bảo vệ biển. Từ năm 2011 đến năm 2016, Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải đã bảo vệ và thả 10 rùa mẹ lên bãi biển Hải Giang, đảo Hòn Khô đẻ hơn 1.200 trứng, trong đó có nhiều ổ trứng rùa nở thành công với hơn 50% rùa con trở về biển. Ngoài ra, nhóm còn giải cứu nhiều rùa biển mắc lưới được ngư dân phát hiện và báo cáo”.
Người dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn bảo vệ rùa biển lên bãi đẻ trứng.
Kể lại những ngày làm công tác bảo vệ rùa biển, bà Nguyễn Hải Bình, nguyên cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh là người gắn bó nhiều năm với công tác bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải, tươi cười: “Năm 2007, bà Gail - một tình nguyện viên New Zealand đã đến khảo sát và phát hiện tại xã Nhơn Hải là nơi tập trung nhiều bãi đẻ trứng của loài rùa biển. Sau đó, ngành Thủy sản đã phối hợp chính quyền địa phương thực hiện chương trình bảo vệ rùa biển ở đây với việc thành lập nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển, đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay bảo vệ rùa biển. Và điều đáng mừng là cả cộng đồng dân cư ở đây cùng chung tay bảo vệ rùa biển. Hiếm có nơi nào mà cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rùa biển như thế”.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, chia sẻ: “Hiện nay, các chương trình bảo vệ rùa của các dự án đã không còn, nhưng mỗi khi phát hiện rùa lên bãi đẻ trứng, hay rùa bị chết trôi dạt vào bờ, người dân đều gọi điện báo cho chúng tôi đến xử lý. Và thỉnh thoảng vẫn nghe ngư dân về báo mới thấy rùa bơi dọc rạn san hô để kiếm ăn, chúng tôi rất mừng. Vì đã đóng góp được một phần nhỏ để chung tay cùng cộng đồng bảo vệ rùa biển”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN