Kích hoạt hệ thống giám sát, tiếp nhận bệnh do nCoV
Các cơ sở y tế phải kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát bệnh; tiếp nhận thông tin và báo cáo bệnh dịch hàng ngày. Thủ trưởng các đơn vị tập trung công tác chống dịch, tuyệt đối không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Sáng nay, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV.
Đó là yêu cầu Giám đốc sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn ngành, cùng sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh triển khai công tác phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona (nCoV), diễn ra sáng nay (31.1).
Thông tin tại Hội nghị, ông Lê Quang Hùng cho biết, sáng 31.1, Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố dịch vi rút nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tại Bình Định, đến nay dù chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, nhưng yêu cầu các cơ sở y tế cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh, cùng các chỉ đạo chống dịch xuyên suốt từ Trung ương đến UBND tỉnh và Sở Y tế.
Sáng 31.1, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng đã có Chỉ thị khẩn tăng cường phòng chống bệnh dịch do nCoV và thành lập Ban chỉ đạo chống dịch. Với ngành Y tế, chiều 31.1, Ban chỉ đạo cấp ngành cũng đã được thành lập và họp khẩn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong công tác chống dịch.
Các triệu chứng nhiễm nCoV (Nguồn: Sở Y tế)
Sau khi thành lập ban chỉ đạo, các cơ sở y tế phải thực hiện tập huấn cho 100% nhân viên y tế về phòng, chống bệnh dịch này; riêng mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn. 2 lớp tập huấn phòng chống dịch do nCoV cho hệ thống y tế xã do Sở Y tế tổ chức trong thời gian tới. Các bệnh viện cũng phải chọn lựa đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn nhất định tổ chức như một đội đặc chủng để tập huấn.
“Thông tin mới nhất về bệnh viêm phổi cấp do nCoV, đến nay đã có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận ca bệnh. Tại Việt Nam đã có 5 trường hợp xác định mắc bệnh nCoV. Bệnh nhân tử vong do nCoV là 213 trường hợp trong hơn 9.800 ca mắc, chiếm tỷ lệ khoảng 2,2%. Nhưng một điều rất đáng lưu ý đó là số bệnh nhân trong diện nguy kịch hiện chiếm đến 16% là một con số rất lớn, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải hết sức lưu ý về nguy cơ của bệnh dịch”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng.
Trong công tác điều trị, 2 bệnh viện gồm BVĐK tỉnh (cơ sở chính) và BVĐK khu vực Bồng Sơn có trách nhiệm là nơi đầu mối tiếp nhận các ca bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm nCoV. Hiện nay, Bộ Y tế đã phân tuyến điều trị, bệnh nhân xác định mắc bệnh tại Bình Định sẽ được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tuy nhiên, các cơ sở y tế của tỉnh phải sẵn sàng các phương án rõ ràng, cụ thể và chi tiết trong tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh nhân. Người đứng đầu ngành y tế tỉnh nhấn mạnh, “bên cạnh BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn sẵn sàng khu cách ly, điều trị bệnh đảm bảo đúng quy định Bộ Y tế, các đơn vị còn phải bố trí 1 - 2 phòng bệnh tại khoa Truyền nhiễm để tiếp nhận các bệnh nhân nghi nhiễm, có bảng khu cách ly”.
Với phương tiện phòng hộ, đến thời điểm này ngành Y tế tỉnh đã có một số cơ số dự trữ nhất định; lên kế hoạch phân bổ 1.000 khẩu trang y tế chống dịch N95 từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho các bệnh viện, TTYT huyện, thị xã, thành phố. Hiện, Sở Y tế cũng đặt hàng Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định 2.000 bộ trang phục chống dịch 7 món; 10.000 khẩu trang y tế chống dịch N95 và 50.000 khẩu trang y tế 5 lớp. Trước hết, các đơn vị chủ động sử dụng loại khẩu trang 5 lớp trong các hoạt động. Các dụng cụ phòng hộ, bảo hộ cũng sẽ tiếp tục được bổ sung để cung cấp cho các đơn vị. Dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khử khuẩn, nước muối vệ sinh cũng phải được bổ sung. Khâu giám dịch bệnh dịch rất quan trọng, yêu cầu các TTYT phải kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát của khoa Kiểm soát bệnh tật; tiếp nhận thông tin hàng ngày, đặc biệt là khâu báo cáo dịch hàng ngày, đơn vị nào không thực hiện báo cáo thì xử lý kỷ luật người đứng đầu. Bắt đầu từ chiều nay, tất cả nhân viên y tế phải đeo khẩu trang khi làm việc. Phải kích hoạt hệ thống giám sát nội bộ của các cơ sở y tế, nhân viên nào có triệu chứng ho, sốt thì cho nghỉ ở nhà.
Đeo khẩu trang đúng cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Đối với cộng đồng, đặc biệt hết sức lưu ý các trường học, khu công nghiệp, khu du lịch. Các đơn vị tăng cường công tác phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, điểm công cộng để người dân nhận biết các dấu hiệu mắc bệnh, đeo khẩu trang phòng, chống bệnh.
Tại hội nghị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn tạm thời về công tác giám sát và phòng chống bệnh dịch do nCoV và hướng dẫn lấy mẫu và bảo quản mẫu bệnh phẩm nCoV cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
THU HIỀN