Ðánh thức tiềm năng năng lượng tái tạo
Những ngày đầu xuân mới này, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 ở Khu kinh tế Nhơn Hội đã khánh thành và phát turbine điện gió đầu tiên (công suất 3,5 MW) lên lưới điện quốc gia. Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy năng lượng tái tạo đã thi công hoàn thành và đi vào vận hành thương mại.
Nhà máy phong điện Phương Mai 3 đã hoàn thành lắp đặt các trụ turbine gió, bắt đầu vận hành đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Ông Lê Đức Trung, Giám đốc Ban quản lý Dự án xây dựng Nhà máy phong điện Phương Mai 3, cho biết: “Sau thời gian nỗ lực thi công, đến thời điểm này, các đơn vị thi công đã hoàn thành lắp đặt 6 turbine điện gió của nhà máy, theo đúng kế hoạch đã cam kết với chủ đầu tư. Hiện nay, turbine điện gió đầu tiên đã bắt đầu phát điện lên lưới quốc gia với công suất 3,5 MW. Sắp tới, các turbine gió còn lại sẽ lần lượt phát điện, hòa lưới quốc gia, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra”.
Nhà máy có tổng công suất 21 MW, vốn đầu tư 40 triệu USD, quy mô gồm 6 trụ turbine gió (công suất mỗi turbine 3,5 MW), chiều cao mỗi trụ 114 m, đường kính cánh quạt rộng 132 m, được lắp đặt trên diện tích 122 ha.
Nhà thầu cung cấp turbine gió và dịch vụ vận hành, bảo trì cho dự án là Siemens Gamesa (châu Âu). Ông Nguyễn Đức Quyết, Tổng Giám đốc Công ty CP Phong điện Miền Trung (đơn vị chủ đầu tư Dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 3), thông tin: Sau khi hoàn thành các trụ turbine, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia mỗi năm trên 70 triệu kWh, giảm phát thải khoảng 50.000 tấn CO2/năm, mang lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng/năm. Đây là 1 trong những dự án phong điện có công suất lớn nhất Việt Nam.
Đưa chúng tôi đi tham quan cánh đồng pin năng lượng của Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (Phù Cát), ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (chủ đầu tư nhà máy), nói: “Trước đây, khu vực này là vùng cát trắng khô cằn, hoang hóa. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển nhà máy điện mặt trời nên quyết tâm đầu tư. Và chỉ sau 8 tháng thi công, Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp đồ sộ đã hiện hữu, chính thức phát điện lên lưới quốc gia trong tháng 6.2019, mang lại sản lượng điện thương phẩm gần 80 triệu kWh/năm”.
Nhà máy rộng hơn 60 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.030 tỷ đồng, lắp đặt 150 nghìn tấm pin năng lượng, công suất 49,5 MWp.
Một góc Nhà máy điện mặt trời Fujiwara.
Ông Đặng Trung Kiên thông tin: Trước khi quyết định đầu tư nhà máy tại xã Cát Hiệp, chúng tôi đã khảo sát nhiều nơi nhưng thấy rằng tiềm năng phát triển điện mặt trời ở đây khá tốt, với số giờ nắng hàng năm cao, có thể mang lại công suất lớn. Hiện, nhà máy đã vận hành ổn định, sản lượng điện phát lên lưới hàng năm khoảng 80 triệu kWh/năm, doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Một nhà máy điện mặt trời khác cũng được nhà đầu tư xây dựng hoàn thành phát điện đấu nối lên lưới điện quốc gia trong năm 2019 là Nhà máy điện mặt trời Fujiwara (100% vốn đầu tư Nhật Bản). Nhà máy này được xây dựng ở khu vực sườn phía Tây núi Phương Mai thuộc địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, công suất 49,5 MW, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng.
Ông Osamu Kimura, Tổng Giám đốc Công ty Fujiwara Bình Định, cho biết: Từ vùng đồi cằn cỗi đầy nắng, gió và cát, công ty đã quyết tâm xây dựng nhà máy năng lượng điện tái tạo từ ánh nắng mặt trời. Với quyết tâm cao của nhà đầu tư và các đơn vị thi công, nhà máy đã cán đích đúng tiến độ. Từ giữa năm 2019 đến nay, mỗi ngày nhà máy phát lên lưới điện quốc gia với sản lượng điện đạt 273 nghìn kWh, đảm bảo nguồn điện ổn định cho phát triển KT-XH của Bình Định nói riêng và các tỉnh khu vực miền Trung.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho hay: Đến đầu năm 2020, Bình Định đã có 3 dự án điện năng lượng tái tạo đã được vận hành thương mại với công suất 150 MW. Việc đầu tư các dự án điện mặt trời đã tận dụng được các tiềm năng của địa phương. Nhiều khu vực đất đai kém màu mỡ, thường xuyên xảy ra khô hạn, khan hiếm nước tưới vào mùa khô đang trở thành miền đất hứa cho những dự án năng lượng mặt trời lớn.
“Hiệu quả từ các dự án nhà máy điện mặt trời đối với tỉnh là góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hơn thế nữa, các nhà máy điện mặt trời đã góp phần tạo ra giá trị điện năng lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh”, ông Tổng cho hay.
NGUYỄN HÂN