Khẩn trương chống dịch do nCoV
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh yêu cầu phải phòng, chống từ xa. Do đó, phải phối hợp kiểm soát khách du lịch đến địa bàn, nhất là khách đến từ các vùng có dịch, đặc biệt Trung Quốc. Giảm bớt các sinh hoạt mang tính chất đông người, lễ hội, tránh trường hợp hết sức phức tạp của bệnh dịch nCoV.
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh - chủ trì cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV), lúc 16 giờ chiều 31.1.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (người đứng) nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại cuộc họp khẩn đối phó dịch chiều 31.1.
Khẩn trương chống dịch
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, đến ngày 31.1, chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Bình Định. Công tác phòng, chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang được triển khai khẩn trương. Ngành Y tế đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch, chú trọng công tác giám sát ca bệnh, lập các đội phản ứng nhanh, tập huấn, chuẩn bị khu cách ly, điều trị và điều kiện cần thiết trong tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm… Hiện, đang in các tờ rơi, áp phích phòng, chống dịch để đầu tuần tới cấp cho Sở Du lịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành liên quan tuyên truyền.
“Toàn ngành quán triệt tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch nCoV thời điểm này. Trường hợp cần thiết lập bệnh viện dã chiến - điều này chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm từ đợt dịch cúm A/H1N1 diễn ra năm 2009”, ông Lê Quang Hùng cho hay.
Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ cho biết, bệnh viện bố trí khu cách ly và điều trị bệnh nhân nghi nhiễm bệnh tại khoa Truyền nhiễm và khu Giải phẫu bệnh vừa xây mới. Các trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, dung dịch sát khuẩn và đồ phòng hộ cũng được chuẩn bị, có thể đáp ứng nếu có bệnh nhân.
Sở Y tế tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác giám sát và điều trị bệnh do nCoV sáng 31.1.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR), đầu tuần tới, BIDIPHAR sẽ giao cho Sở Y tế 2.000 bộ trang phục chống dịch, 10.000 khẩu trang y tế chống dịch N95 và 50.000 khẩu trang y tế 5 lớp theo đơn hàng khẩn cấp. Các loại dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khử khuẩn, nước muối vệ sinh cũng được bổ sung.
Chỉ đạo ngay tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Sở Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát tốt nhất bệnh do nCoV, không để lây lan dịch. Ngoài các đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và BVĐK tỉnh, phải thành lập các đội phản ứng nhanh cấp tỉnh. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất…; đặc biệt không riêng BVĐK tỉnh mà tất cả TTYT tuyến huyện cũng sẵn sàng khu cách ly điều trị.
“Dự báo dịch diễn biến phức tạp, Sở Y tế phải lường trước để chuẩn bị chu đáo trang thiết bị, hóa chất, thuốc men, kể cả khẩu trang y tế, đồng thời có thông báo rộng rãi các cơ sở kinh doanh bán khẩu trang đúng quy chuẩn… Cấp phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền phòng, chống dịch cho các trường học, khu - cụm công nghiệp, công sở…”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.
Giám sát chặt khách du lịch Trung Quốc
Thông tin tại cuộc họp, ông Huỳnh Cao Nhất - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn 15 khách du lịch Trung Quốc trú tại Khu du lịch FLC. Ngoài 2 văn bản chỉ đạo chung cho các cơ sở lưu trú và kinh doanh du lịch, mùng 3 Tết đơn vị đã làm việc cụ thể với FLC về các điều kiện quản lý, giám sát khách du lịch Trung Quốc, yêu cầu cung cấp thêm máy đo thân nhiệt cho bộ phận đón khách. Đến nay, các công ty lữ hành cũng đã dừng đưa đón khách quốc tế đến từ vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc. “Đối với khách quốc tế, chúng tôi phối hợp CA và đơn vị liên quan nắm số lượng khách đến trực tiếp, nhưng với khách quốc tế di chuyển từ các tỉnh, thành khác đến Bình Định hiện rất khó quản lý. Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền và khuyến cáo các đơn vị lữ hành du lịch công tác phòng, chống dịch đối với khách Trung Quốc. Tại sân bay Phù Cát, Sở Du lịch tổ chức 1 tổ trực thường xuyên hỗ trợ thông tin cho các đơn vị lữ hành và hành khách”, ông Nhất cho biết.
BVĐK tỉnh bố trí khu cách ly điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại khoa Truyền nhiễm và khu Giải phẫu bệnh mới được xây dựng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Cảng hàng không Phù Cát cho hay, ngay từ khi triển khai đường bay quốc tế đã có bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị phòng cách ly y tế; triển khai cho toàn bộ nhân viên đeo khẩu trang khi làm việc.
Còn thông tin từ ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, hiện có 5 tàu biển Trung Quốc đang ở tại địa bàn Quy Nhơn. Cảng vụ đã phối hợp với BĐBP tỉnh kiểm soát, giám sát thuyền viên trên tàu, bố trí khu vực làm thủ tục riêng cho khách.
Liên quan đến vấn đề này, chỉ đạo ngay tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định, quan điểm của tỉnh là phòng, chống dịch phải phòng, chống từ xa. Yêu cầu Cảng Hàng không Phù Cát, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tăng cường phối hợp với ngành CA, biên phòng để kiểm soát lượng khách du lịch đến địa bàn, nhất là khách quốc tế từ các vùng dịch, đặc biệt khách Trung Quốc. Riêng với 5 tàu của Trung Quốc, đề nghị BĐBP tỉnh, Sở Y tế kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thuyền viên đi lại trên bờ. Sở Du lịch phải tăng cường công tác quản lý, phối hợp lực lượng CA nắm lại lượng khách, làm việc các khách sạn để có giải pháp quản lý, giám sát hiệu quả…
THU HIỀN
Không để dịch lây lan trong trường học
Sáng 31.1, Sở GD&ÐT có công văn yêu cầu phòng GD&ÐT huyện, thị xã, thành phố, các trường trực thuộc tăng cường phòng, chống dịch bệnh do nCoV.
Trong đó, nhấn mạnh các đơn vị, trường học phối hợp chặt chẽ cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể và thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch bệnh; theo dõi, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, khi có hiện tượng bất thường hoặc dịch bệnh xảy ra cần thông báo ngay cơ quan y tế, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền; giáo dục học sinh, sinh viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng; triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh. Ðảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học.
THẢO KHUY
Xử lý người tung tin không chính xác
Liên quan đến việc thông tin không chính xác trên facebook về 3 khách du lịch Trung Quốc mắc bệnh do nCoV hôm mùng 3 Tết, chiều 31.1, CA tỉnh và Sở TT&TT cho biết, khoảng 38 phút sau khi đăng thông tin trên tài khoản facebook, tài khoản này gỡ bỏ thông tin, đăng tin đính chính và xin lỗi. Cơ quan chức năng đã làm việc với người này, lập biên bản và xem xét xử phạt hành chính.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha cho hay: “Rút kinh nghiệm về vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với quản trị viên một số trang thông tin có lượng người theo dõi lớn để có thể theo dõi về đăng tải thông tin, tránh thông tin không đúng sự thật. Trường hợp cần thiết, Sở TT&TT sẽ làm việc với các DN viễn thông để có tin nhắn cảnh báo đến người dân”.
MAI HOÀNG
Khẩu trang, nước rửa tay “cháy hàng”
Chiều tối 31.1, khảo sát tại nhiều cửa hàng, siêu thị đến nhà thuốc tại Quy Nhơn, rất khó mua được các mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn tay. Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên văn phòng ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn cho hay, có cửa hàng bán giá gấp 10 lần thường ngày.
Hầu hết các cửa hàng, siêu thị, nhà thuốc tại TP Quy Nhơn đều không còn khẩu trang y tế và nước rửa tay. Trong khi đó, hiện trên các trang mạng xã hội mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay trở nên sôi động, giá cao gấp 3 - 5 lần ngày thường. Một số cửa hàng online chuyên nhập khẩu mặt hàng khẩu trang của Nhật Bản và Hàn Quốc có giá khá cao từ 180 - 250 nghìn đồng/hộp đều thông báo hết hàng và không nhận đơn hàng mới.
HẢI YẾN