Thủ tướng Chính phủ công bố dịch nCoV tại Việt Nam
• Tính đến tình huống xấu nhất trong chống dịch nCoV
• Bình Định tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc
Chiều nay (1.2.2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch nCoV tại Việt Nam. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch do nCoV đã chủ trì giao ban trực tuyến toàn quốc với các tỉnh, thành và các bộ, ban, ngành sáng 1.2.
Tại điểm cầu Bình Định, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan...
Thông tin tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết đã công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Khánh Hòa, sau khi xác nhận 1 trường hợp mắc do lây từ người sang người ở tỉnh này.
Đến đầu giờ sáng 1.2, thế giới ghi nhận hơn 9.900 trường hợp tại 26 quốc gia dương tính nCoV, trong đó Trung Quốc hơn 9.800 trường hợp ở 31/31 tỉnh, thành phố. Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp dương tính nCoV, trong đó có 4 công dân Việt Nam và 2 người Trung Quốc - đều là những người tới và trở về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc người nhiễm nCoV.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ... rất cụ thể, đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành tổ chức thực hiện chủ động, quyết liệt, trách nhiệm, tính đến tình huống xấu hơn, xấu nhất nhằm không để tình huống xấu hơn, không phải đối phó với tình huống xấu nhất.
Nguồn: BTV
Các địa phương phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch. Tuyên truyền rộng rãi, sâu rộng đến người dân về cách nhận biết, phòng bệnh; tránh gây hoang mang cho người dân.
Lưu ý những địa phương có người lao động nước ngoài, nhất là công dân Trung Quốc, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai các phương án cụ thể, theo dõi sát tình hình sức khỏe của người lao động; phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện triệu chứng của bệnh. Tăng cường tối đa công tác phòng chống dịch ở cửa khẩu, khu vực sân bay, nhà ga…
Các tỉnh, thành chủ động phun thuốc khử khuẩn nơi công cộng, trường học; hạn chế tập trung đông người, tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc.
Đặc biệt, quyết liệt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đầu cơ, tăng giá thiết bị bảo hộ phòng, chống dịch, khẩu trang y tế. Người đứng đầu Ban chỉ đạo chống dịch nCoV quốc gia chỉ đạo thẳng tại hội nghị: Người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hàng, hiệu thuốc tăng giá bán khẩu trang y tế, không cần thanh tra xuống làm việc, Sở Y tế và cơ quan liên quan rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức.
Phó Thủ tướng nêu rõ, tinh thần của ngành y tế như Thủ tướng chỉ đạo từ đầu, công khai, minh bạch tất cả trường hợp để người dân nhận thức rõ tình trạng, từ đó có các giải pháp phòng, chống dịch; ngăn chặn và xử lý các thông tin không đúng về dịch bệnh. “Các ngành chức năng phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong phòng, chống dịch. Phải trách nhiệm, chủ động và tăng cường nâng cao ý thức để người dân bình tĩnh, sát cánh trong cuộc chiến chống dịch lần này”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo chống dịch nCoV cấp tỉnh, sở, ban, ngành, đơn vị quán triệt triển khai nghiêm túc chỉ thị, kế hoạch chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ, ngành và UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch. Rà soát thuốc tiêu độc khử trùng, hóa chất, trang thiết bị, bảo hộ, khẩu trang y tế chống dịch… Họp chỉ đạo chuyên môn thường xuyên, báo cáo kịp thời các vấn đề cho ban chỉ đạo chống dịch nCoV cấp tỉnh. Trước mắt, khuyến cáo người dân biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; hợp tác khi có yêu cầu thực hiện phun hóa chất, tiêu độc khử khùng nơi công cộng, trường học.
Xử lý đầu cơ, tăng giá thiết bị bảo hộ, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường tỉnh lập ngay đoàn kiểm tra các cơ sở, hiệu thuốc kinh doanh, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở tăng giá, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
· Trong diễn biến liên quan dịch nCoV, khuya ngày 31.1, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu sở, ngành, địa phương, hội đoàn thể chỉ đạo hạn chế tập trung đông người; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh.
Không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Cảng Quy Nhơn hạn chế thấp nhất cấp phép cho thuyền viên đến từ vùng có dịch lên bờ, trường hợp cấp phép phải thông báo cho cơ quan kiểm dịch y tế theo dõi, giám sát. Sở LĐ-TB&XH, Du lịch dừng đưa đón khách du lịch từ vùng có dịch về, không đưa lao động của tỉnh sang Trung Quốc làm việc; tăng cường giám sát công dân, lao động Trung Quốc về quê ăn tết nay trở lại sinh sống, làm việc tại Bình Định.
Sở GD&ĐT chỉ đạo nghiêm học sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh thì không đến trường; đề xuất cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi cần thiết.
THU HIỀN
Thủ tướng quyết định công bố dịch Corona
Hôm nay (1.2.2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Quyết định nêu rõ: Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.
1. Tên dịch bệnh: Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
2. Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23 tháng 01 năm 2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).
3. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh).
4. Nguyên nhân: Do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
5. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.
6. Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch: Thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch.
b) Khai báo, báo cáo dịch.
c) Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
d) Tổ chức cách ly y tế.
đ) Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
e) Các biện pháp bảo vệ cá nhân.
g) Kiểm soát ra, vào vùng có dịch.
h) Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch.
i) Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.
k) Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.
8. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh:
a) Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện.
b) Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30 tháng 01 năm 2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2020, số 06/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2020; các chỉ đạo của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ