Về hai bảo vật quốc gia vừa được công nhận
Ngày 21.1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận 27 hiện vật và nhóm hiện vật trong cả nước là bảo vật quốc gia. Trong đợt này, tỉnh Bình Ðịnh có hai hiện vật là đôi tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn (niên đại thế kỷ XII - XIII, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn).
Hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn, mà dân gian quen gọi là tượng Ông Đen và tượng Ông Đỏ thực chất là hai tượng môn thần (Dvarapalla), là những tác phẩm điêu khắc đá Champa, được sử dụng để trang trí trong các công trình đền, tháp của người Chăm xưa. Khi di cư vào vùng đất ngày nay là tỉnh Bình Định, người Việt sơn phết lên toàn thân của hai tượng - một tượng sơn màu đen, một tượng sơn màu đỏ - đồng thời gắn thêm râu đen dài vào cằm và mép trên của miệng; đồng thời gọi loại đôi tượng này là hộ pháp, môn thần với ý nghĩa là người bảo vệ cho đạo pháp. Nhìn tổng quát, hai tượng tương đồng nhau nhưng khi đi vào chi tiết thì vẫn có nhiều điểm khác, đặc biệt là hoa văn trang trí.
Tượng Ông Đen và Ông Đỏ ở chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Tượng Ông Đen được tạc bằng chất liệu đá sa thạch nguyên khối, cao khoảng 2,3 m. Tượng được tạo hình khá dữ tợn, trán đeo vương miện hình cánh sen nhọn kết dải. Cổ đeo vòng chuỗi hạt tròn, từ vai trái kéo dài đến thắt lưng bên phải là dải hoa văn hình một con rắn; hai cổ tay đeo vòng tròn trang sức ba lớp. Tay trái giơ ngang ngực, bàn tay nắm lại; tay phải cầm vũ khí là một chiếc kiếm giơ cao quá đầu. Hai cổ chân đeo vòng trang sức hình con rắn cuộn tròn. Tượng được tạo hình trong tư thế đứng, hơi nghiêng qua phía bên trái, thân hình căng tròn, lực lưỡng, ngực nở, chân tay to khỏe, toàn thân được sơn phủ màu đen.
Tượng Ông Đỏ cũng được tạc bằng chất liệu đá sa thạch nguyên khối, cao khoảng 2,3 m. Tượng cũng được tạo hình khá dữ tợn. Thần mặc Sam pốt ngắn chưa tới đầu gối, trang trí nhiều lớp hoa văn hình ô trám và tam giác. Tay phải giơ ngang ngực, bàn tay mở, hướng lòng bàn tay về phía trước; tay trái cầm vũ khí là một chiếc giản giơ cao quá đầu. Hai cổ chân đeo vòng trang sức, cổ chân bên phải đeo vòng trang sức hình con rắn cuộn tròn, cổ chân bên trái đeo vòng trang sức tròn có mặt hình lá nhĩ. Tượng được tạo hình trong tư thế đứng, hơi nghiêng qua bên phải, toàn thân được sơn phủ màu đỏ. Khi đưa vào thờ tự cả hai tượng đều được khoác lên mình một chiếc áo dài màu vàng.
Theo truyền thuyết do người dân trong vùng kể lại thì hai tượng Ông Đen và Ông Đỏ chính là hóa thân của hai nhân vật có tên Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền sống vào đời nhà Trần, nước Đại Việt. Hai ông thường được cử đi sứ nước Chiêm Thành và có công lớn với vương quốc Champa. Sau khi hai ông trở về Đại Việt, vua Champa cho tạc tượng hai ông để thờ. Pho tượng có màu sơn đỏ tượng trưng cho Huỳnh Tấn Công; pho tượng có màu sơn đen tượng trưng cho Lý Xuân Điền.
Chuyện hai pho tượng gốc Champa được dân gian Việt hóa, Phật giáo hóa là đặc điểm chung của rất nhiều tượng Chăm còn sót lại ở Bình Định, cả tượng được thờ cúng cùng với chư Phật. Trong tín ngưỡng của người dân địa phương, hai pho tượng này rất linh nên họ thường đến cúng bái, cầu tài lộc, bình an, học hành đỗ đạt… Những gia đình có con khó nuôi, bị bệnh tật hay thường khóc đêm đều đem đến chùa Nhạn Sơn “gửi bán Phật và hai ngài”.
Hai tượng ở chùa Nhạn Sơn có nhiều giá trị độc đáo về cách tạo hình trong điêu khắc đá Champa, đến nay vẫn chưa phát hiện được ở các di tích, phế tích nào khác. Đặc biệt là cách đặc tả sinh động khá giống người thật, chứ không phải cách điệu hóa như một số phù điêu, tượng hộ pháp khác. Hai pho tượng cũng có những nét chạm khắc hoa văn sắc sảo, chi tiết, nhẵn mịn, hình khối tròn nổi, rất đặc trưng cho “Phong cách Tháp Mẫm” hay còn gọi là “Phong cách Bình Định” đã được các nhà khảo cổ học thừa nhận.
NGUYỄN VIẾT TUẤN