Ba phương án ứng phó dịch do nCoV
UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch đáp ứng với bệnh dịch viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona (nCoV) với 3 phương án: Chưa ghi nhận ca bệnh, xuất hiện ca bệnh, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời
Trong tình huống 1, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh, yêu cầu giám sát chặt chẽ tất cả những người về từ những vùng đang có dịch, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh. Tình huống 2, bệnh xâm nhập vào Bình Định, vấn đề quan trọng là khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3, dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, lúc này phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
BVĐK tỉnh bố trí khoa Truyền nhiễm và khu Giải phẫu bệnh mới xây làm khu cách ly tiếp nhận bệnh nhân do nCoV.
Ở mỗi tình huống ứng phó, có kế hoạch chi tiết về 5 hoạt động chính: Chỉ đạo, kiểm tra; truyền thông; giám sát, dự phòng; điều trị; hậu cần. Công tác phối hợp liên ngành chống dịch cũng được chú trọng.
Riêng Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương chống dịch.
“Mục tiêu của kế hoạch nhằm phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do nCoV, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp ca bệnh và tử vong. Sở Y tế căn cứ Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh do nCoV của Bộ Y tế, đề xuất cho UBND tỉnh xem xét, ban hành kế hoạch của tỉnh nhằm chủ động ứng phó tình hình dịch”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Trong phòng chống bệnh dịch viêm phổi cấp do nCoV, Sở Y tế đặc biệt khuyến cáo, hành khách đi/đến từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và vùng có dịch, hoặc người có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi cấp tại TP Vũ Hán hoặc vùng có dịch: Trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần đến ngay bệnh viện để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định ngày 2.2, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, toàn ngành đã kích hoạt hệ thống giám sát, phát hiện bệnh do nCoV. Hiện các cơ sở y tế đã lập Ban chỉ đạo chống dịch, đội phản ứng nhanh. 10.000 khẩu trang đặc thù N 95, 50.000 khẩu trang y tế cũng được chuẩn bị cho công tác chống dịch. Riêng BVĐK tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mỗi đơn vị lập 2 đội phản ứng nhanh. Ngoài BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Quân y 13, các bệnh viện khác đều phải sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và xử lý tại chỗ bệnh nhân, đặc biệt thực hiện cách ly người bệnh không để lây nhiễm. Chuẩn bị sẵn sàng bộ máy tổ chức, biên chế thành lập bệnh viện dã chiến thu dung người bệnh trong trường hợp bùng phát dịch.
“Bình Định đang ở tình huống 1, chưa ghi nhận ca bệnh nên quan trọng là giám sát chặt chẽ tất cả những người về từ những vùng đang có dịch, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh. Tất cả các cơ sở y tế kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát kiểm soát bệnh tại cộng đồng và giám sát nội bộ đơn vị; tiếp nhận thông tin hàng ngày. Đặc biệt, báo cáo dịch hàng ngày, kỷ luật người đứng đầu đơn vị nào không thực hiện”, ông Hùng khẳng định.
Tăng cường tuyên truyền, không để hoang mang
Trong bối cảnh dịch do nCoV diễn biến ngày càng phức tạp, yêu cầu thông tin tuyên truyền nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch càng phải tăng cường, nhất là các trường học, khu công nghiệp, du lịch…
Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, cửa hàng mua sắm, nhà hàng phục vụ khách du lịch tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn quy trình giảm nguy cơ nhiễm nCoV theo khuyến cáo của cơ quan y tế bằng các hình thức phù hợp tại cơ sở mình; tăng cường trực y tế để hỗ trợ khách. Hiệp hội Du lịch Bình Định tuyên truyền các hội viên trong hiệp hội, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường tuyên truyền, chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.
Ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã có cuộc họp, hoạt động thông tin truyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV và triển khai cung cấp cẩm nang hỏi - đáp dịch bệnh về cơ sở. Hiện đang tiếp tục đề nghị Sở Y tế cung cấp thêm tài liệu để thông tin tuyên truyền.
Ông Lê Quang Hùng thông tin thêm, đề phòng lây nhiễm từ cộng đồng là quan trọng nhất để dịch bệnh do nCoV không bị lan rộng. 100 nghìn tờ rơi và 1.000 tờ áp phích sẽ được cấp cho Sở Du lịch, Sở GD&ĐT, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ sở y tế để làm thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch đến cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đặc biệt nhấn mạnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch, biện pháp phòng, chống để người dân không hoang mang và chủ động, tích cực phòng ngừa.
THU HIỀN