Ngày vui ở Cát Khánh
Xã Cát Khánh, huyện Phù Cát là địa phương có cơ cấu kinh tế đa dạng, bao gồm: Ngư nghiệp, diêm nghiệp, nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ. Người dân ở đây đã tận dụng ưu thế của sự đa dạng để phát triển kinh tế.
Một góc khu dân cư làng biển Đề Gi, xã Cát Khanh.
Cát Khánh có thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 thôn An Quang Tây và An Quang Đông. Toàn xã hiện có 389 phương tiện đánh bắt thủy hải sản thường xuyên; trong đó có 180 chiếc có công suất từ 90CV trở lên và gần 80 ha ao đìa nuôi tôm, cá, cua. Tổng sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hằng năm đạt trên 19.250 tấn. Ngoài ra, trong thời gian nhàn rỗi, nhiều hộ dân trên địa bàn đi khai thác thủy hải sản tự nhiên ven bờ như cá chua bột, sò, ốc tại vùng bãi triều ven đầm Đề Gi. Nhờ đó, Cát Khánh ngày càng có thêm nhiều hộ khá và giàu. Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của xã Cát Khánh đạt trên 32,4 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn 4,8% theo tiêu chí mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15%.
Để phát triển kinh tế, xã còn tích cực phát triển các mô hình sản xuất mới, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng KHCN, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao vào sản xuất. Đối với ngành trồng trọt đã quy hoạch thành công các vùng chuyên canh có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao như vùng sản xuất lúa giống, vùng sản xuất các loại cây trồng cạn như: Đậu phụng, bắp lai, dưa hấu... có giá trị năng suất cao, từ đó đã nâng cao sản lượng, giá trị trên hecta canh tác, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 3.673 tấn. Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt từ 120 - 150 triệu đồng.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Gần 8 năm qua, xã Cát Khánh đã huy động hơn 78,5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, chủ yếu là mở rộng và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 10,7 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 5,6 tỷ đồng, ngân sách xã gần 56 tỷ đồng, người dân đóng góp 1,5 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác... Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc và đóng góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm; tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm.
Thôn An Quang Đông là một điển hình trong xây dựng nông thôn mới khi nhân dân đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào, cổng ngõ, hiến đất và góp trên 152 triệu đồng, để làm 2 tuyến đường bê tông xi măng từ Bưu điện Đề Gi đến Trường mẫu giáo An Quang Đông và từ thôn Chánh Lợi đến thôn An Quang Đông; với chiều dài gần 1,2 km, rộng 3 m. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng thôn An Quang Đông cho biết, trước đây khi trời mưa thì lầy lún, trời nắng thì cát dũi, rất khó khăn trong việc đi lại. Bây giờ đã khác xưa rồi, đường làng được bê tông hóa sạch đẹp, trời mưa vẫn cứ vô tư mà đi trên đường bê tông xi măng phẳng lì.
Cùng với phát triển kinh tế, Cát Khánh đẩy mạnh phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh, xây dựng các thiết chế văn hóa. Về Cát Khánh hôm nay, ta dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt trên từng đường làng, ngõ xóm của vùng ven cửa biển Đề Gi.
THẾ HÀ