Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống tội phạm:
Cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 48 ngày 22.10.2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị 48), các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tội phạm (PCTP). Để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian đến, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị.
Huy động nhiều nguồn lực
Để thực hiện Chỉ thị 48, Ban Chỉ đạo PCTP tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và ban hành các kế hoạch, nghị quyết chuyên đề về công tác đảm bảo ANTT đúng tư tưởng chỉ đạo và phù hợp với thực tiễn địa phương. Từ đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Từ năm 2010 đến năm 2013, ngành GD&ĐT, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn đã phối hợp với ngành chức năng chủ động tuyên truyền công tác PCTP, ngăn ngừa tệ nạn xã hội tại 256 lượt trường học với khoảng 125 ngàn học sinh, sinh viên tham gia; tổ chức gần 2.400 lượt phát động phong trào quần chúng đảm bảo ANTT, mở 586 lớp giáo dục pháp luật cho trên 11.000 đối tượng vi phạm bị xử lý hành chính và thanh thiếu niên chậm tiến.
Đồng thời, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động ở những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng trọng điểm. Tổng cộng, quần chúng đã cung cấp cho cơ quan CA trên 4.100 nguồn tin, giúp CA xác minh điều tra làm rõ 2.713 vụ việc. Chỉ riêng tại huyện Tây Sơn, qua việc duy trì đặt 32 hòm thư tố giác tội phạm và người dân chủ động báo cáo, lực lượng chức năng đã thu nhận 1.342 tin báo có giá trị, qua đó giải quyết được 138 vụ việc ở cơ sở.
Cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa
“Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể phải gắn phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với việc triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách với các cuộc vận động lớn ở địa phương để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTP; đi đôi với củng cố, kiện toàn và đổi mới Ban chỉ đạo PCTP, theo hướng nâng cao vai trò của các sở, ngành, hội, đoàn thể là thành viên trong Ban chỉ đạo…”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (trích phát biểu tại Hội nghị sơ kết Chỉ thị 48)
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 48 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 27.11 cũng nhận định: Việc triển khai, quán triệt Chỉ thị 48 và văn bản liên quan chủ yếu phổ biến trong các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhưng chưa đến với đại bộ phận cán bộ, quần chúng nhân dân. Sự phối hợp của các cơ quan đoàn thể chưa được thường xuyên, cơ bản và vững chắc, nên chưa đủ sức tác động đến nhận thức của đại bộ phận nhân dân trong PCTP.
Theo Sở Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, hoạt động hòa giải ở một số địa phương chưa hiệu quả là vì cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi đó chưa nhận thức hết tầm quan trọng trong công tác hoà giải ở cơ sở, thiếu quan tâm, chỉ đạo bộ phận cấp dưới giúp việc trong lĩnh vực này. Những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ gia đình, khu dân cư không được giải quyết triệt để đã dẫn đến hành vi phạm tội, thậm chí là giết người.
Bài học kinh nghiệm từ TP Quy Nhơn, một trong những địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 48, đã kéo tỉ lệ phạm pháp hình sự giai đoạn 2010-2013 giảm 13,5% so với 3 năm trước liền kề đã cho thấy: Công tác PCTP phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và phát huy tích cực vai trò PCTP của các hội, đoàn thể, quần chúng nhân dân, đồng thời phải thực hiện bền bỉ, liên tục. 15 năm qua, Hội CCB TP Quy Nhơn đã phối hợp tốt với CA TP Quy Nhơn vận động quần chúng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Trong khi đó, tại huyện Tây Sơn, giải pháp hữu hiệu hạn chế tội phạm ở địa phương là quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo PCTP địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa xã hội lẫn phòng ngừa nghiệp vụ của ngành chức năng, cộng với việc thường xuyên tuyên truyền, cảm hóa giáo dục đối tượng phạm tội.
THU HÀ