Vi phạm nồng độ cồn, hơn 17.000 lái xe bị phạt 53,155 tỷ đồng
Ngày 4.2, Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an) cho biết, tính từ ngày 1-31.1, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tiếp tục triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ.
Lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Nho Quan kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Kết quả, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 53,155 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại.
Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao, bao gồm: Thanh Hóa 970 trường hợp, Đắk Lắk 914 trường hợp, Tây Ninh 886 trường hợp, Bắc Giang 789 trường hợp, Đồng Nai 696 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 672 trường hợp, Cà Mau 593 trường hợp, Gia Lai 534 trường hợp...
Một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở như: TP Hồ Chí Minh 264 trường hợp, Cà Mau 257 trường hợp, Kiên Giang 212 trường hợp, Long An 195 trường hợp, Thanh Hóa và Tiền Giang 168 trường hợp…
Nếu tính riêng Hà Nội, trong tháng 1.2020, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt và tạm giữ phương tiện đối với hơn 500 trường hợp với lỗi vi phạm nồng độ cồn theo tinh thần Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
"Qua 30 ngày Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã nâng cao ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông. Tình hình vi phạm giao thông đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái", lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đánh giá.
Trong bối cảnh nguy cơ dịch 209-nCoV, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, tập trung xử lý đối tượng vi phạm về nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn giao thông. Quá trình kiểm tra, xử lý sẽ tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ.
Ngoài ra, cảnh sát giao thông phải bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đến khi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona có chỉ đạo mới.
Theo Sơn Bách (Vietnam+)