Chợ Gò là chợ hẹn hò...
“Ðầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò/ Chợ Gò là chợ hẹn hò…” là câu ca dao đã thân thuộc mỗi dịp Tết đến xuân về của người dân và du khách trẩy Hội Chợ Gò. Mới đây, Sở VH&TT phối hợp với UBND huyện Tuy Phước hoàn tất hồ sơ để trình Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận Hội Chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Qua đây, Hội Chợ Gò sẽ được biết đến nhiều hơn, lan tỏa hơn.
Du khách trẩy Hội Chợ Gò, mua trầu cau.
Theo Sở VH&TT, hồ sơ có tên là Hội Chợ Gò chứ không phải Lễ hội Chợ Gò như vẫn gọi trước đây, nhằm nhấn mạnh yếu tố hội ở phiên chợ này. Do vậy, đây là phiên chợ văn hóa dân gian chứ không phải phiên chợ để mua bán hàng hóa. Trong không gian Hội Chợ Gò vốn đã có nhiều trò chơi dân gian như cờ người, bá trạo, võ thuật, bài chòi cổ, tò he… Người đi chợ là du xuân xin lộc, hòa cùng hội vui năm mới. Yếu tố lễ được UBND huyện Tuy Phước tổ chức trong khoảng 7 năm gần đây. Đây là yếu tố giúp Hội Chợ Gò trở nên thu hút hơn.
Chợ Gò được xem là một trong những phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam, chỉ nhóm vào sáng mùng 1 Tết. Xưa kia, Chợ Gò được nhóm trên một gò đất rộng, trống, địa thế hiểm yếu, phía Đông và Nam có dãy núi Trường Úc (còn gọi là núi Hàm Long) che chắn. Tương truyền, vào thời Tây Sơn, đây là nơi tập trận của nghĩa quân Tây Sơn. Để quân lính khuây khỏa trong những ngày Tết Nguyên đán, tướng lĩnh Tây Sơn cho mở hội chợ để mọi người vui chơi, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà.
Theo đó, Chợ Gò mang tính hội xuân dân gian hơn là phiên chợ. Người bán và người mua ai nấy đều nói cười vui vẻ như đi trẩy hội. Người đi chợ đều diện quần áo mới, chỉn chu, xinh đẹp. Đây là phiên chợ tượng trưng, người bán không nói thách, người mua không trả giá như các phiên mua bán thông thường. Mục đích mua bán của Chợ Gò là để chúc phúc, cầu may cho mọi người một năm nhiều tài lộc, sung túc, an vui. Đến với phiên chợ, người mua hy vọng sẽ mua vào may mắn, người bán thì cầu mong bán hết rủi ro. Cả người mua lẫn người bán đều được cả. Hội kéo dài đến xế trưa thì vãn, người dân ra về, binh lính tiếp tục nhiệm vụ. Cuộc vui Tết của binh lính xa gia đình tuy chỉ ngắn ngủi vậy nhưng để lại bao nhiêu là cái tình trong lòng người dân, và phiên chợ trên thao trường ngày ấy vẫn còn mãi đến giờ!
Bài chòi ở Hội Chợ Gò.
Ở nơi diễn ra Chợ Gò trước đây còn có nhiều lò nung vôi nổi tiếng. Từ đó lại có câu “Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì em hết đứng hết ngồi với anh”. Do vậy, người đến với Hội Chợ Gò còn thắp lên hy vọng về tình duyên, mong ông tơ bà nguyệt se thắm duyên lành.
Ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Tại Hội Chợ Gò năm nay, thông tin về việc ngành chức năng và địa phương đã hoàn tất hồ sơ trình công nhận Hội Chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được người dân, du khách đón nhận tích cực. Tới đây, huyện tiếp tục xây dựng không gian văn hóa Hội Chợ Gò như cố gắng duy trì trò chơi đánh cờ người, mời đội bá trạo về biểu diễn… Chúng tôi hy vọng đây là điểm khởi đầu để sớm phục hồi nghề làm đồ chơi dân gian như tò he, gà cồ, chút chít… Như vậy, không chỉ không gian lễ hội sẽ đậm đà bản sắc văn hóa địa phương mà còn là cơ hội để Tuy Phước quảng bá hình ảnh, bổ sung danh mục sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
THẢO KHUY