Tết an toàn!
Từ lâu, vui vẻ, đầm ấm là “cái đích” của mỗi người, mỗi nhà trong những ngày Tết cổ truyền. Theo thời gian, phương châm “an toàn” ngày càng được quan tâm và nhắc đến nhiều hơn.
Tiêu chí an toàn đầu tiên thường được nhắc đến là trong chọn và chế biến, lưu giữ thực phẩm ngày tết.
Không như mọi năm, 27 tháng Chạp năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (ở huyện Hoài Nhơn) mới có thịt heo. Cùng 3 nhà anh em bà con, nhà bà Cúc mua con heo “nuôi hoài hổng lớn” của người em dâu. “Con heo nuôi cả năm mà chỉ hơn 40 ký, 4 nhà chia nhau, đảm bảo không có thuốc tăng trọng. Phần nào ra món ấy, cái nào cần thì kho nấu luôn, phần nào để được thì cấp đông dùng dần. Cận Tết mà mua heo trôi nổi, ăn thấy ơn ớn”, bà Cúc vui vẻ chia sẻ.
Không chỉ thịt heo - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, các loại rau củ quả sạch cũng thu hút sự quan tâm của các bà các chị. Năm nay, đến chiều 30 Tết mà các cửa hàng rau sạch ở TP Quy Nhơn vẫn đông khách. Có một sự kiện khá thú vị: cận Tết, bắp sú và cải thảo mang thương hiệu “Lá Lành” của người dân Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) bị “dội hàng” do thời điểm thu hoạch quá muộn. Chiến dịch “giải cứu” rau sạch được hưởng ứng nhiệt tình. Có bắp sú sạch, chị Lê Thị Hương (ở TP Quy Nhơn) hào hứng làm món bắp sú chua ngọt “trứ danh” lâu nay của mình. “Cả nhà ai cũng khoái món này, chế biến xong để ngăn mát tủ lạnh túc tắc ăn suốt mấy ngày Tết. Khách khứa nghe kể sú này ở Vĩnh Sơn ai cũng nhai rau ráu, gật gù: Ăn tự tin thấy ngon hẳn!”, chị Hương kể.
Song, điểm an toàn lớn nhất của mùa Tết năm nay ai ai cũng thấy là lợi ích của việc áp dụng Nghị định 100 của Chính phủ. Hạn chế bia rượu không chỉ đảm bảo sức khỏe cho mỗi người trong dịp năm mới mà còn góp phần giảm TNGT.
Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng đã ngay lập tức mang lại hiệu ứng tích cực từ thời điểm cuối năm Kỷ Hợi 2019 - cao điểm của các cuộc tất niên. Việc xử phạt “không vùng cấm” được người dân đồng tình, ủng hộ. Từ đó đến nay, không chỉ lập chốt, CSGT còn tuần tra lưu động, thực hiện đo nồng độ cồn trên nhiều tuyến đường. Không chỉ nội thành Quy Nhơn và các tuyến quốc lộ, việc đo nồng độ cồn còn được tiến hành ở các đường bê tông nông thôn. “Ra ngõ là bị đo, nên tết này, các ông xóm tôi đi bộ chúc Tết gần nhà, xa hơn thì hùn tiền thuê taxi, có khi lại “chúc Tết gộp” chung ở một nhà nào đó, chứ không đi lẻ tẻ. Một khi đã xác định phải lái xe thì không dám đụng đến một giọt bia rượu nào, “đồng đội” cũng không dám nài ép nữa”, anh Lê Văn Trương (ở huyện Phù Mỹ) vui vẻ chia sẻ.
Nhiều người cảm thấy “bức bách” vì bị hạn chế việc lai rai trong dịp vui đầu năm, song cũng không ít đấng mày râu lại khoan khoái ra mặt vì được “hiên ngang” tuyên bố “nói không với bia rượu”. Như nhà văn H. khoe trên facebook, mùng 4 Tết, anh có 3 cuộc hẹn. Sáng, trưa, gặp mặt bạn bè, anh chỉ uống cà phê và nước lọc vì phải lái xe. Chiều, dù là sinh nhật cháu ngoại ở nhà hàng, nhưng cũng vì lái xe nên “tương lai tươi sáng là tiếp tục nước lọc”. “Nghị định 100 muôn năm!”, nhà văn hóm hỉnh chốt status.
MAI LÂM